QUYỀN THĂM THÂN CỦA NGƯỜI BỊ GIAM, GIỮ Nhiều thủ tục, thiếu cơ chế thực thi

QUYỀN THĂM THÂN CỦA NGƯỜI BỊ GIAM, GIỮ
Nhiều thủ tục, thiếu cơ chế thực thi
http://phapluattp.vn/…/nhieu-thu-tuc-thieu-co-che-thuc-thi.…

Nhiều tiêu cực khi người thân muốn thăm gặp người bị tạm giam, tạm giữ.
Khi bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ điều tra thì các quyền con người cơ bản vẫn phải được đảm bảo và tôn trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền thăm thân – một quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam vẫn chưa được quy định cụ thể và chưa được đảm bảo thực thi trên thực tế. Kết quả cuộc khảo sát thực trạng thực hiện quyền thăm thân do nhóm nghiên cứu độc lập của Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự phối hợp với các chuyên gia thuộc khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển giới thiệu trong buổi tọa đàm ngày 11-10 nêu.

Bắt người nhưng không thông báo cho gia đình

Điều 89 Bộ luật TTHS 2003 quy định quyền thăm thân rất sơ sài: “Chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của CP”. Và các quy định của Chính phủ (Nghị định 89/1998; Nghị định 98/2002 và Thông tư 08/2001 của Bộ Công an) quy định quyền này rất chung chung, tùy nghi, dẫn tới nhiều bất cập khi thi hành trên thực tế.

Chẳng hạn, thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được thông tin đầy đủ về việc bắt, giữ người thân của mình nhưng khảo sát cho thấy: Chỉ có 24,5% người nhà của can phạm cho biết họ được “thông báo ngay”; “không thông báo” là 28,6%. Số còn lại là nhận được tin báo chậm, thậm chí không được thông báo.

Kết quả khảo sát ở nhóm luật sư và cán bộ tiến hành tố tụng cũng cho kết quả tương đồng: Chỉ 4,4% luật sư cho rằng có “thông báo ngay”. Và trong tám cán bộ tố tụng được hỏi chỉ một có đánh giá như vậy.

Trường hợp gia đình nhận được thông báo thì thông tin cũng không đầy đủ, không hề có thông tin hỗ trợ cho việc thăm thân (không ghi nơi tạm giam, tạm giữ).

Luật sư Huỳnh Phương Nam (Hà Nội) cho biết có rất nhiều ví dụ về những khó khăn mà thân nhân người bị tạm giam, tạm giữ phải trải qua. “Có trường hợp một sĩ quan công an ở Hà Nội bị bắt mà gia đình không hề biết. Họ nói với tôi là: “Nghe nói cơ quan an ninh bắt”. Tôi phải dò hỏi, mất nhiều thời gian mới biết địa chỉ cơ quan thụ lý”.

Thủ tục phức tạp…

Thủ tục xin phép thăm thân cũng vô cùng phức tạp và thiếu thống nhất. Mặc dù một nửa số cán bộ tố tụng được hỏi nói hồ sơ xin phép chỉ cần giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, song có tới 43% thân nhân nói là họ không nhớ nổi phải mang theo giấy tờ gì. Và 40,8% cho biết mỗi lần xin phép lại được yêu cầu giấy tờ hồ sơ khác nhau. Đây cũng là ý kiến của gần 55% số luật sư được hỏi.

Thời gian tiêu tốn cho thủ tục cũng không rõ ràng. Chỉ có 20% thân nhân cho biết là họ từng được cho phép thăm gặp ngay hoặc trong vòng ba ngày sau nộp đơn. Trong khi đó trên 61% luật sư và 3/4 cán bộ tố tụng trả lời là không thể xác định được. Còn khi bị từ chối cấp phép thăm thân, chỉ 18,3% thân nhân cho biết là họ có được giải thích lý do.

Theo quy định hiện hành, người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được gửi/nhận thư khi được cơ quan đang thụ lý cho phép. Tuy nhiên, thực tế có 11% luật sư cho biết vẫn có trường hợp được liên lạc điện thoại, 6,1% thân nhân cũng xác nhận có hình thức liên lạc này.

… Dễ tiêu cực, tham nhũng

Vấn đề đáng lo ngại là quyền thăm thân trong thực tế bị hạn chế rất nhiều, dẫn tới nhũng nhiễu, tham nhũng. Luật sư Lê Quốc Đại cho biết các thân chủ mà ông tiếp xúc đều nói là phải chi tiền mới được liên lạc, gửi quà cho người nhà đang bị tạm giam.

Mang tới tọa đàm trải nghiệm thực tế, chị Huyền – có mẹ là bị can trong một vụ án kể: “Mẹ tôi bị bắt, cả nhà đôn đáo tìm hiểu xin thăm hỏi mà không được. Mất cả tháng, bỗng tôi nhận được điện thoại của một người xưng là quản giáo nhà tạm giam. Ông ta nói là tình trạng mẹ tôi rất khó khăn, chán nản… Gia đình nên quan tâm viết thư thăm hỏi, động viên nhưng phải chi 5 triệu đồng. Khi gia đình muốn gửi đồ ăn, ông ta ra giá 5 triệu đồng. Khi muốn gặp thì bị đòi 20 triệu đồng, sau mặc cả còn 10 triệu đồng. Còn gọi điện thoại ra ngoài mất 1 triệu đồng…”.

Tương tự, chị Vân có chồng bị tạm giam kể: “Anh ấy bị phường gọi lên làm việc, sau đó bị bắt luôn. Hôm sau gia đình lên hỏi thì phường nói là bị đưa lên Công an TP Hà Nội. Đến Công an TP Hà Nội thì họ nói là đưa đi Hỏa Lò rồi… Phải một năm sau tôi mới thăm được chồng”.

Quyền thăm thân chỉ hạn chế trong trường hợp có lý do thuyết phục là việc thăm gặp sẽ gây cản trở điều tra. Khi sửa Bộ luật TTHS, cần quy định cụ thể hơn, nêu rõ các điều kiện để quyền này được thực thi và bỏ hẳn cơ chế “cấp phép” nặng tính xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng. Thân nhân của người bị tạm giam chỉ cần thông báo trước và tuân thủ các điều kiện luật định là được thăm, gặp.

Nên cho phép liên lạc bằng điện thoại dưới sự giám sát nội dung của nhà chức trách và cấm trại giam sử dụng chế độ thăm thân như một biện pháp chế tài với người bị tạm giam.

Nhóm nghiên cứu đề xuất
NGHĨA NHÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *