Thời điểm những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ của người dân ngày càng lớn. Đây cũng là lúc những đối tượng lừa đảo hoành hành, “đánh” vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân để chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp.
Vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra loạt cảnh báo về các mánh khóe lừa đảo mới xuất hiện trong tuần qua. Các hình thức lừa đảo phổ biến đang gia tăng trong thời gian gần đây bao gồm dịch vụ đổi tiền, giả mạo nhân viên ngân hàng, dịch vụ thuê người, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa dịp Tết,…
Nhiều trò lừa đảo sửa chữa, dọn nhà cận Tết
Một gia đình ngụ tại đường Huỳnh Văn Bánh, phường Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh báo một chiêu trò lừa đảo nhằm vào dịch vụ dọn dẹp nhà cửa ngày Tết. Theo đó, nhóm đối tượng lừa đảo sẽ thường xây dựng hình ảnh chỉn chu, quy trình làm việc chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên thân thiện và làm việc cẩn thận. Sau đó, chúng sẽ lừa nạn nhân đặt cọc một khoản tiền nhất định với lý do thời điểm cận Tết, khách đông nên cần phải giữ chỗ. Khi nạn nhân sập bẫy, tin tưởng và chấp nhận việc đặt cọc thì chúng sẽ tiến hành chặn tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết
Các dịch vụ đổi tiền qua mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn khi nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn hết sức tinh vi.
Nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền nhưng khi nhận tiền thì số tiền được đổi lại không đủ như cam kết, thậm chí là nhận lại tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, chiếm đoạt luôn tiền cọc của khách hàng.
Lừa đảo thông qua ứng dụng Signal
Những ngày cuối năm 2024, các chuyên gia an ninh mạng đã phát đi một cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo trên nền tảng nhắn tin, gọi điện miễn phí và được mã hóa 2 chiều – Signal.
Theo đó, nhiều kẻ lừa đảo hoạt động tại các “trại lừa đảo” trong khu vực Đông Nam Á. đang chuyển từ Telegram sang Singal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính.
Cách thức lừa đảo quen thuộc bao gồm: Giả mạo nền tảng đầu tư tài chính, lừa đảo tình cảm, mạo danh người khác, gửi các đường link chứa mã độc để lừa đảo… Thậm chí, các đối tượng này cũng thực hiện chiêu thức mạo danh cơ quan nhà nước để chiếm lòng tin nạn nhân hoặc giả làm nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền.
Mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo
Mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo vay tiền hoặc đáo hạn là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất trong thời gian gần đây. Các đối tượng thường tự xưng là nhân viên của một ngân hàng lớn, gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng với lý do “Thông báo về các gói vay ưu đãi” hoặc “cập nhật thông tin thẻ tín dụng”. Sau đó, họ yêu cầu người vay cung cấp các thông tin cá nhân như số CCCD, số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập, mục đích vay…
Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến một tài khoản để cung cấp thông tin tài chính cá nhân để “đảm bảo giao dịch”. Sau khi nạn nhân tin tưởng và thực hiện theo yêu cầu, đối tượng sẽ trình bày các lý do bắt nạn nhân phải chờ đợi rồi chặn mọi liên lạc và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn thận, cảnh giác trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào. Đồng thời, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần chủ động gọi đến số điện thoại chính thức của ngân hàng để xác minh danh tính của đối tượng và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP,… dưới mọi hình thức.