Siết chặt quy định cá nhân vận động quyên góp từ thiện; Hạn chót nhận tiền hỗ trợ COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2021.
Siết chặt quy định cá nhân vận động quyên góp từ thiện
Theo Nghị định 93 của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo sẽ có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.
Chính phủ siết chặt các quy định về cá nhân vận động quyên góp từ thiện. Ảnh minh họa.
Theo Nghị định này, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.
Tuy nhiên, khi vận động, phải thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tịn truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Quan trọng nhất, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ.
Hạn chót nhận tiền hỗ trợ COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Tháng 12/2021 là thời điểm cuối để người dân nhận được tiền hỗ trợ COVID-19. Ảnh minh họa.
Theo Quyết định 28/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ngày 20/12/2021 chính là hạn chót phải nộp hồ sơ để được nhận tiền hỗ trợ đối với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc người đang tham gia nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ ở thời điểm 30/11/2021.
Cũng theo Quyết định này, ngày 31/12/2021 là hạn cuối để cơ quan bảo hiểm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
Bắt buộc đổi thẻ từ ATM sang thẻ gắn chip
Thông tư 22/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016 ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, khoản 2 Điều 27a Thông tư 19/2016 được bổ sung và sửa đổi như sau: “Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa”.
Các loại thẻ ATM từ sẽ được đổi sang thẻ ATM gắn chíp. Ảnh minh họa.
Như vậy, từ ngày 31/12/2021, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip, thay thế cho loại thẻ từ trước đây.
Cũng theo Thông tư 22, từ ngày 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM mà chỉ phát hành dạng thẻ chip.
Điều đó có nghĩa là, từ ngày 31/3/2021, người dân đi làm thẻ ATM đã được cấp thẻ chip, còn thẻ từ đã được cấp trước đó và đang sử dụng đến nay, thì cần phải đi đổi sang thẻ chip trước ngày 31/12/2021.
Hạn cuối giảm 50% lệ phí làm thẻ căn cước công dân gắn chip
Theo Thông tư 47/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ nay đến ngày 31/12/2021 người dân đi làm Căn cước công dân sẽ được giảm 50% lệ phí.
Cụ thể, nếu chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, mức lệ phí là 15.000 đồng; đổi thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 25.000 đồng và cấp lại thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 35.000 đồng. Sau ngày 31/12/2021, mức lệ phí trên tăng gấp đôi.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ giảm nhiều loại phí khác nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Theo đó, giảm 10% phí hải quan; 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm; 20% phí cấp hộ chiếu, 10% phí sử dụng đường bộ với xe tải chở hàng hóa và 30% đối với xe khách…
Công chức không còn phải học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ chính thức có hiệu lực.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định 89 là chính thức không còn quy định công chức phải đi học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học như trước đây, mà chỉ còn phải học bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Ngoài ra, Nghị định 89 cũng không còn quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như Hiệu trưởng các trường công lập thuộc đối tượng phải tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Nghị định 101.
Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng
Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021 thay vì nền màu trắng như trước đây. Nội dung này được Bộ Công an quy định tại Thông tư 58/2020 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Các loại xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải đổi biển số trắng sang biển số nền màu vàng. Ảnh minh họa.
Những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.
Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 4 – 8 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Theo:https://www.24h.com.vn/