LUẬT SƯ BẮT BUỘC PHẢI BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ HÀNG NĂM

Thứ Tư, 02/10/2013 18:45
http://phapluatxahoi.vn/…/luat-su-bat-buoc-phai-boi-duong-n…

(PL&XH) – Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án, một là thời gian bắt buộc bồi dưỡng với mọi LS tổng cộng phải đảm bảo tối thiểu 10 giờ/năm. Phương án hai cũng tính theo giờ, nhưng chia theo thâm niên hành nghề LS, thấp nhất là 6 giờ/năm.
“Trong một thời gian dài, việc giám sát người tập sự hành nghề luật sư (LS) của các Đoàn LS chưa làm hết trách nhiệm, nếu không nói là có nơi không làm gì”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp tại tọa đàm góp ý cho Thông tư thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP về tập sự hành nghề LS, tổ chức ngày 10-9.
Cũng theo ông Bốn, việc giám sát tập sự hành nghề LS còn lỏng lẻo đến nỗi có trường hợp Đoàn LS vẫn gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra hết tập sự hành nghề đến Bộ Tư pháp, nhưng khi phỏng vấn trực tiếp người tập sự thì người tập sự còn không biết LS hướng dẫn là ai, không biết tổ chức LS nơi mình đăng ký làm được bao nhiêu vụ việc/năm… Do đó, ông Bốn cho rằng, để nâng cao hiệu quả tập sự, phải bổ sung trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong hoạt động giám sát tập sự hành nghề. Bên cạnh đó, theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư thì việc cấp chứng chỉ hành nghề LS sẽ giao cho Sở Tư pháp các tỉnh, TP thực hiện, nhưng hiện tại, “bóng dáng” của Sở Tư pháp với hoạt động tập sự hành nghề LS còn khá mờ nhạt.
Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21, thời gian tập sự hành nghề LS sẽ giảm từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Người tập sự hành nghề LS được đi cùng LS hướng dẫn để gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, và vụ án hành chính khi được người đó đồng ý. Người tập sự hành nghề LS cũng được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác khi được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên, việc ký văn bản tư vấn lại phải do LS hướng dẫn thực hiện. Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó GĐ Học viện Tư pháp (Hà Nội) cho rằng, cần xem lại qui định này vì có bất cập bởi nếu tư vấn bằng miệng thì xem như xong, còn tư vấn bằng văn bản thì lại phải do LS hướng dẫn ký.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012 đã chuyển giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS cho Liên đoàn LS Việt Nam, thay vì Bộ Tư pháp, do đó, Liên đoàn LS sẽ thành lập Hội đồng kiểm tra và tổ chức kiểm tra hết tập sự hành nghề LS. Cùng với Hội đồng kiểm tra của Liên đoàn LS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thành lập Ban Giám sát để giám sát từ việc thành lập Hội đồng kiểm tra, tổ chức kiểm tra, tổ chức chấm điểm, phúc tra, giải quyết khiếu nại… Nếu phát hiện có hành vi vi phạm, Ban Giám sát sẽ lập biên bản và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đình chỉ việc kiểm tra, hủy bỏ kết quả kiểm tra tập sự.
Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, cần bổ sung qui định trong thời gian đang hướng dẫn mà LS hướng dẫn bị xử lý kỷ luật thì được thay đổi LS hướng dẫn khác. Đồng thời, ấn định thời điểm phải tổ chức kiểm tra tập sự trong năm để tránh tình trạng LS tập sự xong phải chờ đợi đến kỳ để được kiểm tra. Thực tế, nửa năm, thậm chí cả năm mới tổ chức được 1 lần. Đồng tình, LS Huỳnh Phương Nam cho rằng, nên ấn định thời gian, và số lượng LS tập sự xong để tổ chức kiểm tra cho phù hợp.
Cùng với việc đưa ra các qui định quản lý chặt chẽ hơn việc tập sự hành nghề LS, Bộ Tư pháp cũng xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của LS hàng năm.
Hiện, tính đến tháng 6-2013, cả nước có khoảng 8.500 người được cấp chứng chỉ hành nghề LS, trong đó có gần 8.000 người đã được cấp thẻ LS, khoảng 3.500 người tập sự hành nghề LS hoạt động trong 3.165 tổ chức hành nghề LS. Trong đó, số LS có trình độ cử nhân luật trở lên chiếm 99%, số LS đã qua đào tạo nghề LS chiếm hơn 75% tổng số LS của cả nước. Đáng quan tâm, chất lượng của LS được đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cả nước còn hơn 1.000 LS theo Pháp lệnh tổ chức LS năm 1987 không được đào tạo bài bản về kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS. Dẫn đến, chất lượng tham gia tố tụng chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, còn một bộ phận LS vi phạm pháp luật bị kết án, vi phạm Qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS như lừa dối, thiếu trung thực trong hành nghề…
Một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém nói trên là do LS chưa có ý thức tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, và pháp luật cũng chưa có qui định về thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc, trong khi nhiều nước có nghề LS đều có qui định về nghĩa vụ tự đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Do đó, Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án, một là thời gian bắt buộc bồi dưỡng với mọi LS tổng cộng phải đảm bảo tối thiểu 10 giờ/năm. Phương án hai cũng tính theo giờ, nhưng chia theo thâm niên hành nghề LS, thấp nhất là 6 giờ/năm với LS đã có thâm niên 10 năm hành nghề, và nhiều nhất là tối thiểu phải 12 giờ/năm, với các LS trẻ có thâm niên hành nghề dưới 3 năm.
Trao đổi với PV, LS Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam cho biết, hướng tới Ngày truyền thống LS Việt Nam 10-10, Liên đoàn LS Việt Nam đang tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thiết thực để người dân hiểu biết thêm về vai trò và các dịch vụ pháp lý của LS. Đáng chú ý trong chuỗi sự kiện này là tất cả các LS trong cả nước sẽ góp 1 ngày làm việc (8 giờ hành chính) để thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ngay tại Trụ sở của Tổ chức hành nghề luật sư nơi mình đăng ký hoạt động vào ngày 10-10. Các Đoàn LS sẽ triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật ngay tại trụ sở của mình, hay tổ chức lưu động tại bất cứ một địa điểm nào do các Đoàn tự liên hệ.
Phương Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *