Luật sư phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng

https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/hi/tin-tuc-su-kien/-/news/xcajVIU0k17H/1/597156.html;jsessionid=Qsnvc6bPQR6zMEG1jDIlxGUB.app2

Ngày đăng: 17:00 13/04/2017

Hôm nay (13-4), Đoàn LS TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Dự luật quan trọng này thu hút sự quan tâm của đông đảo đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý.

Luật sư (LS) Huỳnh Phương Nam, thành viên Ban chủ nhiệm ĐLS Hà Nội cho rằng, người bào chữa để thực hiện được chức năng gỡ tội thì phải được thân chủ tin tưởng. Có tin thì thân chủ thì mới tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc mà họ bị tình nghi, bị buộc tội.

Bởi vậy, nếu người bào chữa tiết lộ các thông tin mình biết được mà những thông tin đó gây bất lợi hoặc chống lại họ thì sẽ không người nào dám tin tưởng vào người mình dự định mời bào chữa hoặc đang bào chữa cho mình nữa. Dẫn đến, người bào chữa không đủ thông tin, không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ bào chữa. “Vấn đề “bí mật thông tin” của khách hàng đối với LS phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ của LS với khách hàng để bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng”, LS Nam nói.

Bên cạnh đó, theo LS Nam, Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS cũng quy định LS không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Điều 73 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 cũng nêu người bào chữa có nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản.

Các quy định về nguyên tắc giữ bí mật thông tin khách hàng của LS nêu trên cũng phù hợp với quy định của nhiều quốc gia trên thế giới với nguyên tắc LS phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng. LS Nam cho rằng, quy định nghĩa vụ tố giác tội phạm của LS mâu thuẫn với việc LS có nghĩa vụ giữ bí mật của khách hàng. Vậy, liệu người bào chữa – LS có đồng thời thực hiện được cả hai nghĩa vụ này hay không? Vì không tố giác thì vi phạm pháp luật- vi phạm nghĩa vụ công dân, còn nếu tố giác thi vi phạm nguyên tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của mình?

Cho rằng sẽ không ai mời LS nếu LS đó đã từng tố giác khách hàng trên cơ sở biết được những thông tin từ họ, LS Nam nhấn mạnh quy định của khoản 3 Điều 19  có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của LS. “Đề nghị sửa đổi, quy định quyền miễn trừ với người bào chữa, hoặc chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng”, LS Nam đề nghị.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội Nguyễn Văn Chiến cho rằng, pháp luật cần có quy định loại trừ trách nhiệm của LS để tạo cơ hội cho sự tồn tại và phát triển của nghề LS. Đây cũng là quan điểm của nhiều LS Đoàn Hà Nội.

Góp ý vào Điều 382 về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, ông Chiến cho rằng, cần phải có những quy định cụ thể để bảo đảm cho LS thực hiện quyền của mình. Cụ thể, LS cũng có quyền thu thập những tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và việc đánh giác chứng cứ này có giá trị hay không thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử. Thế nhưng, Điều 382 Dự thảo lại quy định, các chứng cứ do cơ quan tố tụng cung cấp nếu không được chấp nhận thì không phải chịu một trách nhiệm gì, nhưng nếu LS đưa tài liệu chứng cứ vào mà được đánh giá xác định là không đúng sự thật thì lại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo ông Chiến, tại thời điểm đương sự cung cấp thì LS không thể xác định được đâu là thật, đâu là giả và mức độ thật giả đến thế nào, vì nhiều tài liệu còn phải đến khi giám định cơ quan chuyên môn mới biết. Vì vậy, theo ông Chiến, quy định rằng LS cung cấp tài liệu sai sự thật phải chịu trách nhiệm là không phù hợp mà chỉ nên quy định cấm LS tạo ra, làm ra những chứng cứ giả.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *