Câu hỏi:
Vợ chồng tôi có 01 căn hộ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm 01 phòng ở rộng 11,2 m2 và 01 khu phụ rộng 5,8 m2 (thể hiện trên Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất do UBND TP Hà Nội cấp mang tên vợ chồng tôi). Trên mái bằng khu phụ thuộc quyền sở hữu của mình, chúng tôi rào khung sắt lưới B40 cao gần 2m, có khóa và lợp tôn nhằm cản không cho rác và nước bẩn nhà hàng xóm chảy và bể nước ăn. Vừa qua, hàng xóm nhà tôi ban đêm đã trèo vào phá rào B40, phá tôn lợp mái trên nóc khu phụ nói trên để làm mái nhà họ lấn sang khoảng không của nhà tôi.
Tôi xin hỏi:
1. Theo quy định của pháp luật thì ranh giới sử dụng đất của chủ sử dụng đất được xác định như thế nào? Nhà hàng xóm lợp mái sang phần khoảng không trên mái bằng khu phụ nhà tôi như vậy có vi phạm pháp luật không?
2. Tôi có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với hành vi nêu trên của hàng hay không?
Trả lời:
Về phần khu phụ thuộc quyền sử dụng đất và sở hữu nhà của vợ chồng bà: ranh giới diện tích này được thể hiện rõ trong Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở do UBND TP Hà Nội cấp cho vợ chồng bà.
Khoản 2, Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.”
Như vậy, gia đình bà cũng như gia đình hàng xóm khác chỉ được thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất trong phạm vi ranh giới sử dụng đất của mình theo chiều thẳng đứng. Vì vậy, nhà hàng xóm không được quyền lợp mái lấn sang phần khoảng không trên mái bằng khu phụ nhà bà (tính theo chiều thẳng đứng từ ranh giới đất nhà bà đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở).
Về việc hàng xóm tự ý phá rào và mái tôn nhà bà: vợ chồng bà là chủ sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở hợp pháp, đồng thời cũng là chủ sở hữu với những tài sản của mình tại ngôi nhà này. Chỉ ông bà mới có quyền định đoạt tài sản (rào sắt và mái tôn) của mình (căn cứ Điều 192 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền định đoạt). Giả sử trường hợp rào sắt và mái tôn nhà bà có nguy cơ sập đổ gây nguy hại cho hàng xóm thì họ có quyền yêu cầu bà hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho sửa chữa, phá dỡ theo quy định tại Điều 177 Bộ luật Dân sự, chứ không có quyền tự ý phá tài sản của gia đình bà. Trừ trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Dân sự, mọi hành vi tự ý phá hoại tài sản của người khác đều bị coi là trái pháp luật và tùy từng mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà có quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nêu trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Đồng thời bà còn có quyền yêu cầu buộc người đã phá hoại tài sản bồi thường thiệt hại cho bà theo quy định của Bộ luật Dận sự./.