Có nên buộc luật sư cung cấp tài liệu sai sự thật phải chịu trách nhiệm?

17:28 ngày 18/04/2017

http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/co-nen-buoc-luat-su-cung-cap-tai-lieu-sai-su-that-phai-chiu-trach-nhiem-137389

(PL&XH) – “Vấn đề “bí mật thông tin” của khách hàng đối với LS phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ của LS với khách hàng để bảo đảm tốt nhất lợi ích cho khách hàng”, LS Huỳnh Phương Nam, thành viên Ban chủ nhiệm ĐLS Hà Nội góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.

Luật sư (LS) Huỳnh Phương Nam cho rằng, người bào chữa để thực hiện được chức năng gỡ tội thì phải được thân chủ tin tưởng. Có tin thì thân chủ thì mới tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc mà họ bị tình nghi, bị buộc tội.

Bởi vậy, nếu người bào chữa tiết lộ các thông tin mình biết được mà những thông tin đó gây bất lợi hoặc chống lại họ thì sẽ không người nào dám tin tưởng để chia sẻ cũng như mời bào chữa nữa. Dẫn đến, người bào chữa không đủ thông tin, không thể hoàn thành tốt được việc bào chữa cho thân chủ của mình.

“Vấn đề “bí mật thông tin” của khách hàng đối với LS phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ của LS với khách hàng để bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng”, LS Nam nói.

Bên cạnh đó, Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS cũng quy định LS không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng nêu người bào chữa có nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản. Các quy định về nguyên tắc giữ bí mật thông tin khách hàng của LS theo Luật LS và Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng phù hợp với quy định của nhiều quốc gia trên thế giới với nguyên tắc LS phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.

Với ý kiến cho rằng, LS cũng đồng thời là công dân, cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm như mọi công dân về phát hiện, tố giác hành vi phạm tội, tuy nhiên, việc LS tố giác khách hàng lại mâu thuẫn với việc LS có nghĩa vụ giữ bí mật của khách hàng, nhiều LS đặt câu hỏi họ sẽ thực hiện “đồng thời” cả hai nghĩa vụ này như thế nào? Vì không tố giác thì vi phạm pháp luật- vi phạm nghĩa vụ công dân, còn nếu tố giác thi vi phạm nguyên tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của mình?

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, rất khó có căn cứ để xác định những thông tin mà khách hàng tiết lộ đó là đúng sự thật để đi tố giác. “Đề nghị sửa đổi, quy định quyền miễn trừ về tội này đối với người bào chữa, hoặc chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng”, LS Nam đề nghị.

Đồng quan điểm, LS Tạ Văn Phú (Bắc Giang) cũng nhấn mạnh, LS không thể tố giác và làm xấu đi tình trạng của thân chủ mình và BLHS chỉ nên quy định LS phải tố giác tội phạm với tội xâm phạm an ninh quốc gia và ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Một số ý kiến băn khoăn, quy định này sẽ áp dụng thế nào nếu quan hệ giữa khách hàng và LS lại đồng thời là quan hệ cha-con, vợ-chồng? Còn đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội Nguyễn Văn Chiến đề nghị, BLHS cần loại trừ trách nhiệm của LS để tạo cơ hội cho tồn tại nghề và phát triển đối với LS.

Bên cạnh đó, theo Luật tố tụng Hình sự, LS có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, còn việc đánh giá tài liệu đó có xác thực, có giá trị pháp lý hay không là do Hội đồng xét xử xem xét, kết luận. Còn theo Điều 382 Dự thảo, LS cung cấp tài liệu, chứng cứ nếu bị đánh giá xác định là không đúng sự thật thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

LS Lê Đăng Tùng, Đoàn LS Hà Nội dẫn chứng một ví dụ thực tế mà ông gặp phải khi tham gia một vụ án hình sự ở Tòa án tỉnh Lào Cai là hai LS tham gia tố tụng trước ông đã mất khá nhiều thời gian để thu thập được một số văn bản, khi đưa ra phiên tòa thì Tòa quyết định hoãn xét xử để xác minh. Nhưng qua giám định thì văn bản này chỉ có con dấu là đúng, còn chữ ký thì sai. Sau đó, hai LS đã cung cấp chứng cứ bị rút giấy chứng nhận bào chữa, thông báo về Đoàn LS.

“Khi thu thập, có những vật chứng, tài liệu LS không thể biết tài liệu đó là chuẩn hay không, nên việc buộc LS phải chịu trách nhiệm là không phù hợp”, LS Tùng nói. Đồng quan điểm, theo Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội, LS không thể phải chịu trách nhiệm về hành vi cung cấp tài liệu đó, vì vào thời điểm thu thập, LS không thể xác định được tài liệu đó là có sai sự thật hay không, mức độ sai đến đâu.

Phương Thảo / PL&XH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *