NGƯỜI ĐƯỢC UỶ QUYỀN LẠI CÓ ĐƯỢC COI LÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO UỶ QUYỀN CỦA NGƯỜI UỶ QUYỀN?

 

Trong thực tế, việc một cá nhân hoặc tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện công việc không còn xa lạ. Tuy nhiên, trong trường hợp người được ủy quyền lại tiếp tục ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện công việc, thì câu hỏi đặt ra là liệu người được ủy quyền lại có được coi là người đại diện theo ủy quyền của người ủy quyền hay không?

Theo Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ủy quyền lại, người được ủy quyền chỉ được phép ủy quyền lại cho bên thứ ba trong các trường hợp sau:

Điều 564. Ủy quyền lại

  1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
  2. a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
  3. b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
  4. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
  5. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.”

Ngoài ra, việc ủy quyền lại phải tuân theo phạm vi và hình thức theo việc ủy quyền ban đầu.

Mối quan hệ pháp lý giữa bên ủy quyền, người được ủy quyền, và người được ủy quyền lại

Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 138. Đại diện theo ủy quyền

  1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Theo đó, đại diện theo ủy quyền là việc cá nhân hoặc pháp nhân cho phép một người khác thay mặt mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Điều này cho thấy mối quan hệ đại diện mang tính trực tiếp giữa người ủy quyền và người được ủy quyền.

Tuy nhiên, đối với người được ủy quyền lại, mối quan hệ đại diện này không tự động được thiết lập, trừ khi giữa người ủy quyền và người được ủy quyền có thoả thuận rõ ràng về việc cho phép người được ủy quyền uỷ quyền lại cho người khác thay mặt người ủy quyền thực hiện các công việc được giao theo ủy quyền.

 

Kết luận

Dựa theo các quy định pháp luật hiện hành, người được ủy quyền lại chỉ được coi là người đại diện theo uỷ quyền của người ủy quyền nếu có sự đồng ý của người ủy quyền.

Việc quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên trong văn bản ủy quyền không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn tránh những tranh chấp pháp lý phát sinh sau này. Cho nên, các bên trong quá trình ký kết hợp đồng/giấy ủy quyền cần lưu ý rõ điều này để xác định rõ nhiệm vụ cũng như phạm vi quyền hạn của từng bên, đặc biệt là trong trường hợp nội dung có quy định về ủy quyền lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *