Hiện nay các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể công việc nào được thực hiện ủy quyền mà chỉ quy định những trường hợp không được thực hiện ủy quyền.
Chúng tôi xin tổng hợp một số trường hợp pháp luật có quy định chủ thể phải trực tiếp thực hiện hoặc không cho phép ủy quyền như sau:
1. Đăng ký kết hôn; Đăng ký lại việc kết hôn; Đăng ký nhận cha, mẹ, con
Khoản 2 Điều 6 Luật hộ tịch 2014 quy định:
“2. Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.”
Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành:
“Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được ủy quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại…..”
2. Ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng giải quyết việc ly hôn
Khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố Tụng Dân Sự năm 2015 quy định:
“Điều 85. Người đại diện
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
3. Công chứng di chúc
Khoản 1 Điều 56 Luật Công Chứng năm 2014:
“Điều 56. Công chứng di chúc
1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.”
4. Gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm:
“Điều 12. Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng
1. Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; …”
5. Uỷ quyền cho người thứ ba trong việc mang thai hộ
Khoản 2 Điều 96 Luật Hôn Nhân và Gia Đình năm 2014:
“Điều 96. Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý. …”
6. Ủy quyền của chủ đầu tư dự án bất động sản
Khoản 4 Điều 17 Luật Kinh Doanh Bất Động Sản năm 2023:
“Điều 17. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản
4. Không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản.”
7. Ủy quyền trong tố tụng dân sự mà Có quyền, lợi ích hợp pháp đối lập với người được uỷ quyền; Cán bộ, công chức trong cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an.
Điều 87 Bộ luật Tố Tụng Dân Sự năm 2015:
“Điều 87. Những trường hợp không được làm người đại diện
1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”
Tham khảo thêm các trường hợp không được ủy quyền khác tại Mục số II.13 tại Công Văn số 3854/VKSTC-V9 ngày 09/9/2024 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
Khuyến nghị trong các trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện ủy quyền cho người khác thực hiện giao dịch cũng như tham gia ký kết, giao dịch với người được ủy quyền cần kiểm tra việc ủy quyền có rơi vào các trường hợp nêu trên hay không. Đồng thời Các Bên cần xem xét kỹ nội dung ủy quyền, hình thức ủy quyền để đảm bảo năng lực của chủ thể khi tham gia ký kết, giao dịch.