Quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam: Chưa được bảo đảm trên thực tế và cả trong luật

21/10/2013 08:29 UTC+7

Vấn đề thăm thân (hay quyền được thăm thân) của người bị tạm giữ, tạm giam là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giam, tạm giữ trong một vụ án hình sự.

Tuy nhiên, vấn đề này từ trước đến nay chưa được quan tâm một cách đúng mức cũng như đang còn bỏ ngỏ trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành.

 

Có nên bí mật thông tin?

BLTTHS quy định: “Người ra lệnh bắt, CQĐT nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền… biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, CQĐT nhận người bị bắt phải thông báo ngay”. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định thông báo về việc bắt người này trong thực tế các vụ án lại không giống nhau hoặc không thực hiện đầy đủ và nếu có thì hầu như cũng không có gì chứng minh gia đình họ đã nhận được thông báo này.

Quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam: Chưa được bảo đảm trên thực tế và cả trong luật

Ảnh minh họa

Luật sư Huỳnh Phương Nam (Đoàn LS Hà Nội) cho biết, rất nhiều trường hợp gia đình người bị tạm giam bỗng nhiên thấy người thân “biến mất”, không biết cơ quan nào bắt, nếu biết thì cũng không biết bắt giam ở đâu. Bản thân LS khi được gia đình họ mời tham gia bào chữa cũng phải rất vất vả mới xác minh được người đó bị giam ở đâu để thông tin cho gia đình họ. Đặc biệt, trong một số vụ án do Cơ quan an ninh điều tra thực hiện, mặc dù hành vi của người bị bắt không thuộc nhóm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, nhưng LS cũng rất khó khăn để tìm cơ quan bắt và người bị bắt.

Ông Nam cũng dẫn chứng, có trường hợp bị can ở Hà Nội, gia đình bị can cho biết bị can đã bị Bộ Công an bắt. Tuy nhiên, LS đã phải lần mò qua từng CQĐT để xác định chính xác cơ quan bắt, nhưng đến đó cũng không có được thông tin gì. Sau nhiều lần gửi công văn đi, LS mới biết được vụ án do Cơ quan an ninh phía Nam làm và bị can đang bị tạm giam ở đó để thông báo cho gia đình bị can biết.

 

Ấn định rõ ràng, không nên tùy nghi

Quy chế tạm giữ, tạm giam hiện hành có quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân… do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định”. Trong khi người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp luật rằng họ có phạm tội hay không và nếu có tội thì có đến mức phải cách ly với đời sống xã hội hay không, thì người bị tạm giữ, tạm giam vẫn phải được hưởng các quyền công dân tối thiểu khác mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động  tố tụng.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quy định quyền gặp thân nhân với tình trạng “có thể” như trên rất dễ dẫn đến việc tùy tiện quyết định của cơ quan thụ lý vụ án. Thậm chí, nhiều trường hợp trở thành điều kiện để người bị tạm giữ, tạm giam hoặc thân nhân của họ phải chấp nhận những cáo buộc không đúng với họ để được gặp nhau… Thực tế cho thấy, trong quá trình điều tra, truy tố đến khi xét xử sơ thẩm, hầu như gia đình không gặp được bị can, bị cáo.

Việc thăm thân cũng có ý nghĩa đảm bảo quyền được thông tin của người bị tạm giữ, tạm giam. Trong quá trình điều tra, hầu như mọi thông tin với thế giới bên ngoài của người tạm giữ, tạm giam bị đóng kín. Tuy nhiên, bên cạnh việc phải “bí mật điều tra” , tránh “thông cung” thì các thông tin khác không làm ảnh hưởng đến vụ án cũng phải được cung cấp cho người bị tạm giữ, tạm giam biết như tình trạng gia đình, bố mẹ ốm đau, con cái học hành…

Từ thực tiễn bất cập nêu trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng “quyền thăm thân” là quyền rất quan trọng của người bị tạm giữ, tạm giam cần phải có sự thay đổi, quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong BLTTHS (hoặc chí ít phải quy định trong nghị định của Chính phủ).

Theo ông Vũ Việt Hùng, VKSNDTC thì cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS liên quan đến quyền của người bị bắt tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền được thăm thân, được gia đình người thân chăm sóc, điều trị y tế khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo… trong quá trình giam giữ. Và, điều này cần được cụ thể hóa trong Quy chế về tạm giữ, tạm giam.

Khảo sát của các LS và chuyên gia xã hội học về việc thực thi quyền thăm thân đối với  người bị tạm giữ, tạm giam tại 12 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, An Giang… cho thấy: Nghĩa vụ thông báo việc bắt giữ của CQĐT thường chậm hoặc không được thực hiện. Việc thăm thân phụ thuộc vào sự cho phép của CQĐT. Có ba yếu tố tác động, gây cản trở lớn cho việc thực hiện quyền thăm thân đối với người bị tạm giam là: Nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các CQĐT; có hiện tượng tiêu cực khi cấp phép và sự phân biệt đối xử khác nhau với người bị tạm giam do khác nhau về địa vị xã hội…

Quốc Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *