Chủ tài khoản không di chúc, rút tiền tiết kiệm thế nào?

07:35 06/03/2017

Xem tin gốc:

http://anninhthudo.vn/doi-song/chu-tai-khoan-khong-di-chuc-rut-tien-tiet-kiem-the-nao/720261.antd

ANTD.VN – Bà nội tôi mất đột ngột năm 2010 không để lại di chúc và có để lại sổ tiết kiệm đứng tên bà với số tiền 2 tỷ đồng và 1 căn nhà ở Hà Nội (căn nhà đứng tên ông bà). Ông bà tôi có 3 người con và hiện ông nội tôi vẫn còn sống. Xin luật sư cho biết thủ tục để rút tiền trong sổ tiết kiệm như thế nào? Về phần căn nhà thì được chia thừa kế ra sao? Nguyễn Trọng Quân (Quận Ba Đình – Hà Nội)

ảnh 1

Thạc sỹ, luật sư Huỳnh Phương Nam- Trưởng VPLS Huỳnh Nam. Địa chỉ: Số 348 Đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội

Theo quy định tại Điều 611 và Điều 612 – Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết và di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Ngoài ra, căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung vợ chồng là tài sản chung hợp nhất nên khi một trong hai người chết đi thì tài sản chung đó được chia đôi, 1/2 giá trị khối tài sản chung là di sản của người đã chết, 1/2 giá trị tài sản còn lại thuộc sở hữu của người còn sống.

Từ những quy định nêu trên có thể thấy, sau khi bà nội bạn qua đời thì phần di sản của bà nội bạn sẽ được chia đều theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất gồm: chồng (ông nội bạn) và các con.

Trường hợp các cụ là bố, mẹ của bà nội bạn còn sống cũng thuộc hàng này và cùng được thừa hưởng di sản do bà nội bạn để lại. Do bà nội bạn mất không để lại di chúc nên việc rút số tiền tiết kiệm do bà nội bạn đứng tên gửi sẽ được thực hiện theo quy định của ngân hàng.

Theo đó, ngoài việc phải xuất trình sổ tiết kiệm, giấy chứng tử của bà nội bạn, giấy tờ tùy thân của người rút tiền thì các đồng thừa kế cần phải có văn bản thỏa thuận về việc giải quyết số tiền này hoặc ủy quyền cho nhau trong việc rút số tiền tiết kiệm mà bà nội bạn đứng tên để phân chia thừa kế (có công chứng, chứng thực hợp pháp).

Đối với căn nhà thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà nội bạn tự thỏa thuận phân chia. Trường hợp không thể thỏa thuận được thì một trong những người thuộc diện được thừa hưởng di sản thừa kế cần làm đơn khởi kiện phân chia di sản thừa kế ra tòa án quận, huyện (nơi có căn nhà) đề nghị tòa án giải quyết.

Về nguyên tắc, một nửa căn nhà sẽ được chia đều cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà nội bạn. Nửa căn nhà còn lại sẽ thuộc sở hữu của ông nội bạn. Trường hợp do diện tích căn nhà nhỏ không thể phân chia bằng hiện vật được thì tòa án sẽ quyết định người muốn sở hữu căn nhà phải chi trả bằng tiền (theo kỷ phần) cho người thừa kế khác hoặc những người thuộc diện thừa kế sẽ phải bán căn nhà để phân chia với nhau bằng tiền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *