XÁC ĐỊNH CÓ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI HAY KHÔNG?

Câu hỏi:
Gia đình tôi sinh sống ổn định tại nhà trên đất diện tích 226 m2 tọa lạc tại thửa 717, tờ bản đồ số 2, xóm Phúc Thành, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từ những năm 1980, không hề có tranh chấp gì. Ngày 15/12/2014, UBND huyện Quỳnh Lưu đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng tôi. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, đúng trình tự thủ tục pháp luật, mọi người dân trong địa bàn đều biết. Kể từ đó đến năm 2016 vẫn không có bất kỳ ai thể hiện ý định tranh chấp. Bất ngờ đến tháng 11/2016, 2 anh em ông Cao Xuân Hiệp và Cao Xuân Huệ gửi đơn khiếu nại đến UBND xã Tiến Thủy, lấy lý do nhà đất trên là thuộc về dòng họ Cao, yêu cầu gia đình tôi phải trả lại nhà đất cho họ.
UBND xã Tiến Thủy đã nhiều lần tiến hành hòa giải song 2 anh em ông Cao Xuân Hiệp và Cao Xuân Huệ không chấp nhận hòa giải mà kiên quyết đồi nhà đất. Vì không hòa giải được, UBND xã Tiến Thủy đã chuyển hồ sơ vụ tranh chấp của gia đình tôi đến Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 18/1/2017, gia đình tôi nhận được Giấy báo số 966 của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu với nội dung: Tháng 12/2016, ông Hiệp và ông Huệ có nộp đơn đến Tòa án khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với gia đình tôi nhưng vì Tòa án đã hướng dẫn và yêu cầu bổ sung tài liệu nhưng đến nay ông Hiệp và ông Huệ vẫn không đến Tòa án yêu cầu giải quyết nữa. Tòa án chưa thụ lý vụ án này. Hỏi:
1. Nhà và quyền sử dụng đất của gia đình tôi có phải là đất đang tranh chấp không?
2. Gia đình tôi có được thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng như thực hiện các quyền khác về đất đai theo quy định của Bộ luật Dân sự hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai 2013 về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Trường hợp của ông bà là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tranh chấp trước đây của các đương sự đã được hòa giải tại UBND xã Tiến Thủy và được UBND xã hướng dẫn nếu tiếp tục có tranh chấp thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu. Như vậy, nếu các bên không hòa giải được với nhau và có yêu cầu thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân theo quy định trên.
Vì vậy, cho đến thời điểm này, nếu một trong các đương sự không thống nhất được với nhau về cách giải quyết thì có quyền gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Quỳnh Lưu. Trong trường hợp “Tòa án đã hướng dẫn và yêu cầu bổ sung tài liệu, nhưng đến nay ông Hiệp và ông Huệ vẫn không đến Tòa án yêu cầu giải quyết nữa. Vì vậy Tòa án chưa thụ lý vụ án” (theo Giấy báo số 966 của Tóa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu) đây là trường hợp Trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 “Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này. Điều này có nghĩa là hiện không có tranh chấp tại Tòa án.”
Vì vậy, nhà và quyền sử dụng đất tại Xóm Phúc Thành, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mà bà đứng tên chủ sử dụng hiện không có tranh chấp. Ông bà có quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và sở hữu nhà đối với tài sản của mình theo quy định của Bộ luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *