Giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử của Doanh nghiệp

Câu hỏi:

Chào Luật sư!

Hiện nay có nhiều nhà cung cấp và khách hàng yêu cầu Công ty ký hợp đồng điện tử với chữ ký điện tử (chữ ký số, chữ ký scan, chữ ký hình ảnh…), do đó Công ty chúng tôi muốn hỏi Luật sư một số câu hỏi như sau:

Việc ký hợp đồng điện tử như vậy có giá trị pháp lý hay không? Chữ ký điện tử thay thế việc ký trực tiếp và đóng con dấu doanh nghiệp trong các giao dịch của doanh nghiệp có giá trị pháp lý không?”

Trả lời:

Chào Quý Công ty, dựa trên thông tin của Quý Công ty cung cấp, VPLS Huỳnh Nam có ý kiến tư vấn sơ bộ như sau:

Đối với giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử:

Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Luật Giao dịch điện tử) quy định về Hợp đồng điện tử như sau:

Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”.

Điều 34 Luật Giao dịch điện tử quy định:

Điều 34. Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.“.

Điều 15 Luật thương mại 2005 quy định:

Điều 15. Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại

Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.“.

Theo đó, Hợp đồng điện tử được ký kết giữa Công ty và khách hàng cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Khi đó, Hợp đồng sẽ có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

Điều 12 Luật giao dịch điện tử quy định:

Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.“.

Đối với Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Điều 21 Luật giao dịch điện tử 2005 quy định về Chữ ký điện tử như sau:

“Điều 21. Chữ ký điện tử

Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.“.

Giá trị pháp lý của Chữ ký điện tử được quy định tại Điều 24 Luật giao dịch điện tử như sau:

“Điều 24. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này và chữ ký điện tử đó có chứng thực.”.

Như vậy, chữ ký điện tử có giá trị pháp lý nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu trên. Hợp đồng điện tử được ký bằng chữ ký điện tử phải tuân thủ các điều kiện của Luật giao dịch điện tử để được pháp luật thừa nhận giá trị pháp lý.

Trên đây là câu trả lời của Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn. Câu trả lời này chỉ mang tính chất tham khảo.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn liên hệ theo Hotline: 024.22.19.00.99 – 22.40.66.99 để được giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *