Vụ sập cầu ở Lai Châu: Phải xử lý nghiêm những người có liên quan

Sự kiện bình luận
Thứ ba, 04/3/2014 11:01 GMT+7

Xem tin gốc báo Tầm Nhìn:

http://tamnhin.net/Sukienbinhluan/29835/Vu-sap-cau-o-Lai-Chau-Phai-xu-ly-nghiem-nhung-nguoi-co-lien-quan.html#.Uxdayc7Rl9Q
Nguyên nhân làm sập cầu là do lỗi thi công, cơ quan chức năng phải có kết luận để xử lý những người có liên quan theo đúng pháp luật.
Như Tamnhin.net đã đưa tin, khoảng 8h sáng ngày 24/2/2014, một đám tang qua cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thì bất ngờ cầu bị đứt cáp làm cho cầu bị lật, khiến hàng chục người rơi xuống suối, làm 9 người thiệt mạng, trong số 37 người bị thương đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường có 28 người bị thương nặng.
Theo tìm hiểu của PV thì, cây cầu này có chiều dài 54m, cao gần 10m. Đây là công trình do Đan Mạch đầu tư và cấp vốn xây dựng. Công trình được khởi công xây dựng tháng 8/2012 và được hoàn thành đưa vào khai thác tháng 12/2012. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu; Công ty TNHH tư vấn công nghiệp Lào Cai là Tư vấn thiết kế; Nhà thầu thi công: Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Ký Hoa; Tư vấn giám sát: Ban QLDA huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu.
Nguyên nhân chính làm sập cầu mà theo các chuyên gia có nhiều năm công tác trong ngành kỹ thuật về cầu đường cũng như cơ quan chuyên môn thì, chủ yếu là do công tác thi công không tuân thủ đúng theo yêu cầu kỹ thuật đã thiết kế (do con ốc neo bị đứt – PV).
Để tìm hiểu về vụ việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
PV: Thưa Luật sư, về nguyên nhân làm sập cầu được cho là do chưa đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Vậy, trong vụ việc này cần phải xem xét đến trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào?
LS HPN: Cây cầu này đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ đầu tư và đơn vị được giao quản lý công trình, trường hợp này là UBND huyện Tam Đường chứ không phải ai khác.
Theo quy định tại Điều 627, Bộ luật dân sự thì: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. “Và sẽ được bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng tại Chương XXI, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
PV: Thưa Luật sư, nếu quá trình điều tra của cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm của những bên liên quan thì sẽ xử lý như thế nào?
LS HPN: “Nếu quá trình điều tra xác định có dấu hiệu việc thi công không đảm bảo yêu cầu chất lượng, không đúng kết cấu tải trọng, không đúng quy trình, quá trình thẩm định, giám sát thi công có dấu hiệu tiêu cực, nếu có tiêu cực hoặc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát thì phải xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan và phải truy tố trách nhiệm hình sự nếu các hành vi đó đủ yếu tố cầu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự đối với tội danh tương ứng mà họ phạm tội.
Trường hợp xác định nguyên nhân sập cầu từ yếu tố kỹ thuật và thiếu tránh nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình và những người bị nạn thuộc về chủ đầu tư xây dựng công trình, nghĩa vụ liên đới bồi thường thuộc về đơn vị thi công, đơn vị khảo sát thiết kế và giám sát thi công”
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Duy Thưởng thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *