ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC, NHƯNG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN CHÂY Ì THỰC HIỆN

Hồ sơ vụ án > Hoàng Mai – Hà Nội:
ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC, NHƯNG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN CHÂY Ì THỰC HIỆN
http://phaply.net.vn/…/hoa%CC%80ng-mai-ha%CC%80-noi-an-da-c…
Đăng vào ngày 12th, Tháng Tám, 2013

(Pháp lý) – Tòa án đã trả lại công bằng cho dân
Theo nội dung Bản án Hành chính phúc thẩm số 12/2011/HCPT ngày 29/9/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội: Bà Nguyễn Thị Thủy (trú tại số nhà 89, ngõ 1277 đường Giải Phóng, tổ 10, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là xã viên của Hợp tác xã nên được phân đất nông nghiệp 518m2. Bà Thủy bị thu hồi đất để thực hiện 03 dự án trên địa bàn quận là 167,6m2/518m2, chiếm 32,36%. Theo Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và Điều 40 bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND Thành phố Hà Nội (Quyết định 18/2008/QĐ-UBND) thì bà Thủy bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp nên được hưởng quyền mua nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền bằng giá trị nhà chung cư. UBND phường Thịnh Liệt có công văn số 151 ngày 25/5/2009 xác nhận sự việc trên và đề nghị UBND quận Hoàng Mai cho bà Thủy hưởng tiêu chuẩn tái định cư

Thế nhưng, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 1322/QĐ-UBND ngày 25/6/2009, UBND quận đã cắt tiêu chuẩn tái định cư của bà Thủy vì cho rằng, theo sổ quy chủ mà UBND quận thu thập thì diện tích đất nông nghiệp bà Thủy được giao là 711m2, bị thu hồi cả 03 dự án là 115,6m2, bằng 16,19% nên không được hưởng suất tái định cư.

Sở dĩ có số liệu này là vì UBND quận đã cộng cả 180m2 đất nông nghiệp bà Thủy được thừa kế từ ông nội và cha đẻ cho, cũng như 53m2 đất vườn đã mua đi bán lại cho người khác vào năm 1993. Đồng thời diện tích thu hồi bị giảm đi 52m2 ở dự án Trung tâm hành chính quận. Vì ở dự án này diện tích 52m2 đất lưu không do mẹ bà Thủy đứng tên ký nhận tiền bồi thường.

Điều đáng nói là Quyết định phê duyệt phương án bồi thường trên không được giao cho bà Thủy (bà Thủy chỉ biết khi khởi kiện ra tòa án).

Tòa án nhận định, UBND quận cho rằng tại thời điểm thực hiện khoán 10, bà Thủy sử dụng bao nhiêu đất nông nghiệp thì được giao lại bấy nhiêu, không cần xác định nguồn gốc, thủ tục sang tên, tách thửa khi có biện động về tặng cho, nhận chuyển nhượng như trên là không đúng với khoản 2, Điều 40 Quyết định 18/2008/ QĐ-UBND. Vì khi xác định đất nông nghiêp của bà Thủy được giao phải trừ đi diện tích đất nhận chuyển nhượng, được tặng cho hoặc được thừa kế mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật mới đúng.

Mặt khác, UBND quận căn cứ sổ quy chủ để xác định tại dự án Trung tâm hành chính quận, bà Thủy không bị thu hồi 52m2 đất lưu không mà mẹ đẻ của bà Thủy đã ký tên nhận tiền là không đúng. Vì các nhân chứng là người giao đất nông nghiệp trong khoán 10 đều xác nhận diện tích đất trên là của bà Thủy chứ không phải là của riêng mẹ bà Thủy. Trong quá trình giải khiếu nại, UBND phường cũng thừa nhận điều này.

Không những vậy, nếu căn cứ vào sổ quy chủ thì diện tích bà Thủy bị thu hồi ở cả ba dự án không phải là 115,6m2/711m2, bằng 16,19% mà phải là 265,2m2/714m2, bằng 37%. Bởi tại sổ quy chủ, hộ bà Nguyễn Thị Thủy ở số thứ tự số 21, tại cột đất bị thu hồi xác định 187,2m2 tại thửa số 310 (được xác định là thửa 226 sau này) tờ bản đồ 41B3. Cộng 187,2m2 này với 78m2 bị thu hồi ở dự án xây dựng tuyến đường phía Bắc trung tâm hành chính quận thì bà Thủy bị thu hồi 265,2m2/714m2 bằng 37%.

Việc bà Thủy không được nhận quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường là sai sót của chính quyền.

Tòa đã tuyên: Hủy quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 25/6/2009 của UBND quận Hoàng Mai phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ bà Thủy khi thực hiện dự án xây dựng tuyến đường phía Bắc trung tâm hành chính quận Hoàng Mai. Buộc UBND quận Hoàng Mai phải thực hiện hỗ trợ bằng bán nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền mặt cho hộ bà Thủy theo quy định pháp luật.

Cơ quan công quyền chây ì thực thi pháp luật
Án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 29/9/2011, bà Thủy có đơn đề nghị yêu cầu thi hành án, ngày 28/5/2012, Chủ tịch UBND quận có công văn số 250/TB-UBND giao nhiệm vụ cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận thực hiện việc thi hành án bản án phúc thẩm, hoàn thành trong quý III năm 2012.

Tuy nhiên, sau đó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận lại không thực hiện mà có ý kiến ngược lại đề nghị UBND thành phố cho ý kiến để kiến nghị giám đốc thẩm bản án và không thực hiện việc thi hành án.

Tại công văn số 851/UBND-BBT ngày 31/7/2012, Ban Bồi thường quận cho rằng, phần quyết định của bản án về việc “buộc UBND quận Hoàng Mai phải thực hiện hỗ trợ bằng bán nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền cho hộ bà Nguyễn ThịThủy theo quy định pháp luật” là vượt quá thẩm quyền xét xử của tòa án, nên đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm.

Trao đổi với phóng viên, bà Thủy bức xúc: án có hiệu lực xác định cơ quan chức năng sai thì Ban Bồi thường quận lại không nhận sai, cố tình chây ì không thực hiện quyết định của bản án. Trong khi tôi là người dân thì lại luôn tuân theo pháp luật. Dù biết chính quyền làm sai song tôi vẫn giao đất và khiếu nại, khiếu kiện theo luật định. Án có hiệu lực gần 02 năm vẫn không thực hiện được bởi sự chây ì của cơ quan công quyền thì người dân còn tin vào pháp luật được không?

Luật sư Hoa Hoàng Nhật – VP Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Theo quy định tại Điều 241 Luật Tố tụng hành chính về “Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành” thì bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm phải được thi hành ngay.

Việc UBND quận Hoàng Mai có ý kiến gửi Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hay tái thẩm không phải là lý do để dừng thi hành án. Muốn dừng thi hành án thì phải có ý kiến bằng văn bản của Chánh án tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vì theo quy định tại Điều 212 và 213 Luật Tố tụng Hành chính về “Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” và “Hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật” thì chỉ có hai người trên là có quyền tạm hoãn thi hành án hành chính, song cũng chỉ trong thời hạn không quá 03 tháng. Chính vì vậy, việc UBND thành phố chỉ đạo UBND quận dừng thi hành án như trên là trái quy định pháp luật, can thiệp vào sự độc lập trong xét xử của cơ quan tư pháp.

Trần Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *