Ngược đãi mẹ già xử lý thế nào?

                                                                                                          06:46 08/01/2017
Xem tin gốc báo An ninh Thủ đô:
Vợ chồng anh trai tôi ngược đãi mẹ tôi thậm tệ. Xin hỏi luật sư, hành vi của vợ chồng anh trai tôi có vi phạm pháp luật không?

Hơn 3 năm trước, mẹ tôi (78 tuổi) đã sang tên ngôi nhà 3 tầng và đất cho vợ chồng anh trai tôi. Nhưng cũng kể từ đó đến nay, mẹ tôi liên tục bị anh trai và chị dâu tôi ngược đãi bằng việc bỏ đói, không cho tiếp xúc với mọi người và ốm đau không được thuốc thang hoặc đi viện…

Tôi là phận gái, ở xa và sống cùng bố mẹ chồng nên không thể đón mẹ tôi về phụng dưỡng. Gần đây mẹ tôi vì không chịu đựng được sự ngược đãi của con trai nên bỏ ra rìa làng dựng túp lều ở một mình. Trước đó, vợ chồng anh trai tôi tuy đã nhiều lần được chính quyền, đoàn thể địa phương khuyên giải, nhắc nhở nhưng vẫn không đối xử tử tế với mẹ tôi. Xin hỏi luật sư, những việc làm nêu trên của vợ chồng anh trai tôi có vi phạm pháp luật không? Mẹ tôi muốn đòi lại nhà và đất thì phải làm thế nào?

Vương Ngọc Quyên (Huyện Lý Nhân – Hà Nam)

 

ảnh 2

Ths. luật sư Huỳnh Phương Nam –

(Trưởng VPLS Huỳnh Nam Số 348 Đường Bưởi, Quận Ba Đình, Hà Nội)

Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi ốm đau, già yếu giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Đây không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là đạo lý làm người.

Về mặt pháp lý, việc vợ chồng anh trai bạn bỏ đói mẹ già, không cho tiếp xúc với mọi người và ốm đau không được thuốc thang hoặc đi viện… là hành vi ngược đãi, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như pháp luật có liên quan.

Tùy tính chất, mức độ hành vi mà vợ chồng anh trai bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo theo Điều 50, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ (mức phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 – Bộ luật Hình sự 1999 về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mức hình phạt có thể là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Đối với mảnh đất và ngôi nhà đã thực hiện thủ tục sang tên từ mẹ bạn sang cho vợ chồng anh trai bạn, nếu trong hợp đồng tặng cho tài sản thể hiện điều kiện sau khi nhận tài sản, vợ chồng anh trai bạn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ (theo Điều 470 – Bộ luật Dân sự 2005) mà sau đó vợ chồng anh trai bạn vi phạm điều kiện này thì mẹ bạn có quyền khởi kiện tại tòa án để đòi lại nhà đất.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *