Vụ xử bà Hứa Thị Phấn: Luật sư tranh tụng theo hướng lỗi vô ý

https://bizlive.vn/ngan-hang/vu-xu-ba-hua-thi-phan-luat-su-tranh-tung-theo-huong-loi-vo-y-3451419.html

HUYỀN TRÂM

20:00 24/05/2018

BizLIVE – Luật sư cho rằng, việc làm của bị cáo Nam nếu có làm trái quy định thì cũng là lỗi vô ý.

Vụ xử bà Hứa Thị Phấn: Luật sư tranh tụng theo hướng lỗi vô ý

Bị cáo Trần Sơn Nam tại tòa – Ảnh: Huyền Trâm.

Ngày 24/5, phiên xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phấn tranh tụng của các luật sư.

Luật sư Huỳnh Phương Nam tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Sơn Nam, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín liên quan tới hành vi chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM.

Luật sư nêu ở hành vi này, bị cáo Nam lý giải nhận thức khi ký vào biên bản hội đồng quản trị (HĐQT) đồng ý mua, hủy và mua lần 2 với tỷ lệ vượt quá 50% vốn điều lệ là do đã có đề án tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Bị cáo tin rằng, khi được tăng vốn thì không còn vi phạm về tỷ lệ nên vẫn hạch toán treo tại tài khoản chi phí mua sắm. Do Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) chưa chấp thuận nên việc tăng vốn điều lệ chưa thực hiện được.

“Việc ký vào các văn bản này, bị cáo chỉ thực hiện với mục đích để mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch để làm trụ sở cho ngân hàng, phục vụ lợi ích của Ngân hàng. Đây là mục đích không trái pháp luật. Khi triển khai thực hiện có thể có những thiếu sót nhất định. Thế nhưng, những thiếu sót đó có đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải xem xét đó có phải là nguyên nhân dẫn đến việc bà Phấn chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng của ngân hàng như Cáo trạng quy kết không”, luật sư Nam nêu.

Luật sư cho rằng, không có tài liệu nào thể hiện bị cáo biết được việc bị cáo Phấn có mục đích mua bán căn nhà lòng vòng để bị cáo Phấn chiếm số tiền đó. Theo cách hiểu của các bị cáo, nhà của bị cáo Phấn bán cho Ngân hàng thì bị cáo Phấn đương nhiên phải nhận tiền, không phải là chiếm đoạt.

Trong khi đó, luật sư nêu Đại Tín là Ngân hàng Thương mại cổ phần, không có vốn của Nhà nước chi phối, trong đó, bà Hứa Thị Phấn được coi là cổ đông lớn chiếm 84,92% vốn. Cáo trạng xác định bà Phấn nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của NH Đại Tín, thâu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ nhân viên Ngân hàng. Chính vì vậy, bị cáo Nam không nghĩ rằng bà Hứa Thị Phấn sẽ gây thiệt hại cho Ngân hàng mà chính bà là nắm giữ tổng số cổ phần lớn nhất.

Hành vi bị quy kết vi phạm khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng (42% vốn điều lệ) không thông qua họp Đại hội cổ đông.

Theo luật sư, thực tế bà Hứa Thị Phấn là cổ đông chiếm đến 84,92% vốn điều lệ ngân hàng. Lý do mà các bị cáo khai về việc mua tài sản không thông qua Đại hội đồng cổ đông vì bà Phấn có quyền chi phối. Cho dù có thông qua ĐHĐCĐ thì nếu các cổ đông khác không đồng ý mua thì bà Phấn vẫn quyết định mua được với tỷ lệ biểu quyết trên 75%.

“Như vậy, việc các bị cáo không thông qua Đại hội đồng cổ đông, tuy có vi phạm quy định của Luật các TCTD 2010 nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Nguyên nhân chính là bà Hứa Thị Phấn, là cổ đông lớn có quyền chi phối toàn bộ hoạt động ngân hàng, hoàn toàn có quyền quyết định đối với việc bán hay mua tài sản cho Ngân hàng, mà cụ thể là căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch mà bị cáo Trần Sơn Nam không thể biết được mục đích thực của bà Hứa Thị Phấn”, luật sư Nam bày tỏ quan điểm.

Về tội danh cố ý làm trái, với diễn biến hành vi và nhận thức của bị cáo nêu trên, cho dù có những sai phạm nhất định, tuy nhiên những sai phạm đó có thỏa mãn các yếu tố cấu thành Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng hay không, cần thiết phải xem xét, làm rõ các vấn đề hành vi làm trái có do lỗi cố ý hay không, hành vi làm trái có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thiệt hại nghiêm trọng hay không.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Sơn Nam không thấy trước được hậu quả từ việc ký các tờ trình, hợp đồng mua bán nhà là sẽ gây ra hậu quả dẫn đến việc bị bà Phấn chiếm đoạt tiền (như Cáo trạng quy kết).

Bản thân bị cáo không có chuyên môn về định giá hay thẩm định giá, vì vậy, bị cáo chỉ tin vào kết quả của cơ quan chuyên môn là Trust Asset.

Bị cáo Nam không thấy trước hậu quả thiệt hại cho ngân hàng, nghĩ rằng việc đầu tư mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch để làm trụ sở ngân hàng là nhằm làm lợi cho Ngân hàng, các bị cáo đều thực hiện công việc theo nhiệm vụ của mình vì tin vào khả năng, sức lực, trình độ, kinh nghiệm của mình, cũng như nhận định chủ quan về hoàn cảnh thực tế, không nghĩ rằng rằng hậu quả đó có thể xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được nếu nó xảy ra.

Luật sư cho rằng, việc làm của bị cáo Nam nếu có làm trái quy định của Nhà nước thì cũng là lỗi vô ý chứ không phải là do cố ý. Và như vậy, hành vi của bị cáo Trần Sơn Nam không thỏa mãn dấu hiệu cơ bản của mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm, không phải là lỗi cố ý tức là không cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

“Với các phân tích trên, việc khởi tố, truy tố bị cáo về Tội Cố ý trái là chưa thỏa đáng, mong hội đồng xét xử xem xét để đảm bảo quyền lợi của bị cáo”, luật sư Nam cho biết.

HUYỀN TRÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *