Câu hỏi: Năm 2001, do còn quá trẻ và mang thai ngoài ý muốn nên sau khi sinh con tôi đã phải cho cháu đi làm con nuôi ở một gia đình khá giả. Thế nhưng gần đây, tôi phát hiện cháu thường xuyên bị đánh đập, bắt cháu làm việc nặng nhọc, đối xử bất công giữa con đẻ và con nuôi. Hiện tại, tôi cũng đã có điều kiện hơn trước, tôi phải làm thế nào để nhận lại con của mình, tôi rất xót xa khi phải nhìn thấy con bị đối xử như vậy. Hành vi của họ có vi phạm pháp luật không và sẽ bị xử lý như thế nào. Mong luật sư giải đáp thắc mắc giúp tôi. Tôi xin cảm ơn
Trả lời:
Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
Trường hợp của con bạn thường xuyên bị cha mẹ nuôi đánh đập, bắt làm việc nặng nhọc, đối xử bất công đã vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 13 Luật nuôi con nuôi 2010, bạn là mẹ đẻ của cháu, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Tùy tính chất, mức độ hành vi mà cha mẹ nuôi của con bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo theo Điều 50, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ (mức phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 – Bộ luật Hình sự 1999 về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”.
Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mức hình phạt có thể là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.