Lật lại hồ sơ vụ án Lương Thị Kim Lan phạm tội “Giết người” ở Hà Nội: CẦN TRẢ HỒ SƠ ĐIỀU TRA BỔ SUNG

Lật lại hồ sơ vụ án Lương Thị Kim Lan phạm tội “Giết người” ở Hà Nội: CẦN TRẢ HỒ SƠ ĐIỀU TRA BỔ SUNG
http://tamnhin.net/…/Lat-lai-ho-so-vu-an-Luong-Thi-Kim-Lan-…

Chính sách & Pháp luậtPháp luật
Thứ tư, 18/12/2013 20:10 GMT+7

Mặc dù, đã hai lần TAND TP. Hà Nội phải trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung về vụ án “Lương Thị Kim Lan phạm tội “Giết người” vì cho rằng căn cứ chưa rõ ràng, thế nhưng không hiểu lý do gì mà Kiểm sát viên (VKSND TP Hà Nội) vẫn cố tình “ngâm” hồ sơ lại, không trả cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra bổ sung?

Theo như cáo buộc của VKSND TP Hà Nội thì nội dung của vụ án thể hiện: Vào 11h30 ngày 15/11/2012, do mâu thuẫn giữa các anh em trong gia đình dẫn đến xô xát, Lương Kim Lan – SN 1967, HKTT phố Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, HN đã dùng ô tô đâm thẳng vào anh Lương Đình Tuấn (anh trai của Lan), buộc Tuấn phải nhảy lên nóc capô của xe, rồi Lan cho xe chạy với tốc độ cao 50 -60km/h trên quãng đường dài 9km, lạng lách, đánh võng để hất Tuấn xuống đường nhằm giết chết anh Tuấn nhưng Tuấn không bị ngã là ngoài ý muốn chủ quan của Lan. Do đó, Lan bị truy tố về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là hành vi côn đồ theo điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình điều tra cũng như xét xử tại phiên tòa, Lan không thừa nhận việc đâm xe vào Tuấn mà khẳng định: Do bị Tuấn và Lương Đình Lâm (em trai Lan) dùng mũ bảo hiểm lao vào đánh, chửi bới, đe dọa sẽ giết chết Lan, làm cho hoảng sợ nên phải chui vào xe để tránh và chạy. Sau đó, Tuấn tự nhảy lên capo để không cho Lan đi, Lan chỉ lái xe với tốc độ chậm, không lạng lách, không nhằm hất Tuấn xuống đường mà chỉ đi để tìm đồn Công an nhờ họ can thiệp. Bên cạnh đó, việc xe của Lan bị móp méo là do Tuấn, Lâm đập phá mà nên.

Là nhân chứng của vụ án, ông Lương Đình Tiến – SN 1955, trú phòng 208 CT4A Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội (anh trai của bị cáo Lan, cũng là anh trai của Tuấn và Lâm) cho biết: Ông cùng với anh Soạn (người cùng thôn) là người có mặt tại hiện trường và người chứng kiến rõ việc Tuấn và Lâm chặn xe Lan, dùng mũ bảo hiểm đánh, chửi, đe dọa: “Giết chết con Lan”. Khi Lan vào xe trốn, Tuấn và Lâm lấy xe máy chặn hai đầu xe, Tuấn ngồi lên nắp capo dùng mũ bảo hiểm đập kính xe, đập vào thành xe. Lan sợ hãi lái đi thì Tuấn không xuống mà cứ ngồi trên nắp capo tiếp tục đe dọa. Bản thân Tuấn cũng có lời khai tại Cơ quan điều tra ngày 11/3/2013 rằng khi quay lại thấy xe tiến sát thì ghé mông ngồi lên nóc capo chứ không phải Lan cố tình đâm thẳng xe vào người Tuấn. Như vậy, thực chất của vụ việc là do Tuấn tự nhảy lên, chứ không như bản cáo trạng nêu.

Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: Việc trả lại hồ sơ của Tòa án nhân dân TP Hà Nội để điều tra bổ sung là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ tài liệu trong hồ sơ thể hiện:

Theo Bản cáo trạng mô tả thì, Tuấn nhảy lên nắp capô, nằm sấp áp bụng vào nắp capô, một tay bám cột ăng ten, một tay bám cần gạt nước. Tuy nhiên, ngày 11/3/2013, Tuấn lại khai sau khi ghé mông ngồi lên nóc capô, tay phải Tuấn vẫn cầm điện thoại, tay trái bám vào ăng ten trên nóc xe, toàn thân áp vào mặt kính trước, hai chân đạp vào vỏ xe phía chân kính để làm điểm tựa. Còn Lâm lại khai tại Cơ quan điều tra ngày 15/11/2012 rằng Tuấn vẫn ngồi trên nắp capô trong suốt quãng đường Lan cho xe chạy khoảng 50m thì va chạm với xe máy ở trên đường, nhưng Tuấn vẫn ngồi trên nóc capô.

Dựa vào các lời khai trên, cho thấy sự mâu thuẫn giữa nội dung của cáo trạng và sự mô tả của Tuấn và Lâm về tư thế của Tuấn trên nắp capô, không có việc Tuấn nằm sấp trên nắp capô mà thực tế Tuấn vẫn ung dung ngồi trên nắp capô trong suốt quãng đường 50m từ trong thôn ra đường, và sau đó tiếp tục ngồi như vậy.

Thêm nữa căn cứ chứng minh Lan lái xe chạy nhanh, lạng lách nhằm mục đích hất Tuấn xuống đường còn yếu. Vì cáo trạng xác định về thời gian xảy ra sự việc là vào lúc 11h30’ ngày 15/11/2012 và Biên bản bắt giữ Lan lập tại Công an huyện Từ Liêm là vào 11h40’ cùng ngày. Khoảng thời gian ít ỏi (10 phút) này là thời gian xảy ra xô xát giữa Lan với các anh em mình, sau đó Lan lên xe lái tiến lùi, vòng ra đường, khi đến vòng xuyến Mỹ Đình thì bị giữ xe, rồi xe kéo của Công an đưa về Công an huyện Từ Liêm lập biên bản. Quãng đường từ bãi đất Nhà văn hóa thôn Ngọc Mạch đến vòng xuyến Mỹ Đình (gần nhà hàng Vạn Hoa) được Cơ quan điều tra đo là 9km.

Căn cứ lời khai của Tuấn thì, thời gian Lan chạy xe từ Nhà văn hóa thôn ra đường 70 đi mất khoảng 3 phút, còn từ vòng xuyến về đến Công an huyện Từ Liêm hết 3 phút. Như vậy quãng đường 9km Lan phải đi trong vòng 4 phút thì phải chạy với tốc độ trung bình là 135km/h. Trong khi đó, Lan phải lái xe trong tình trạng bị người của Tuấn che khuất tầm nhìn (Tuấn khai đứng dạng chân vào khe nắp capo) chạy suốt 9 km được không mà không gây tai nạn cho bất kỳ ai trên đường (không có vụ tai nạn nào được ghi nhận)?

Cũng theo cáo buộc thì, sau khi qua Cầu Ngà, Lan cho xe vượt xe tải chở cát, chạy nhanh 50-60km/h, lạng lách phanh gấp, đánh võng để Tuấn rơi khỏi xe ô tô, anh Tuấn hoảng sợ nằm áp vào capô, đạp chân vào khe nắp capô, hai tay bám chặt cần gạt nước và cần ăng ten để không bị ngã.

Luật sư Nam đặt câu hỏi, với chiếc xe Getz thì không thể hiểu Tuấn nằm trên xe kiểu gì? Nếu Tuấn nằm trên nắp capô mà đạp chân vào khe nắp capô tức là đầu phải chúc về phía mũi xe, chúc xuống đất. Nhưng Tuấn lại bám vào gạt nước, mà gạt nước lại sát ngay khe nắp capô, tức là Tuấn nằm cong như con tôm túm lấy gạt nước ngay sát chân mình? Nhưng anh Tuấn lại được mô tả tay cũng nắm lại ăng ten, mà ăng ten lại ở trên nóc xe thì tay của Tuấn phải dài mấy mét để khi mà nằm trên nắp capo lại túm được cả ăng ten?

Rõ ràng, việc mô tả này là không thực tế, không mô tả được chính xác tư thế của Tuấn khi ở trên nắp capô xe do Lan lái với tốc độ được kết luận là 50-60 km/h. Và nếu với thời gian 4 phút thì phải là 135km/h, liệu với tốc độ này, một tay còn vừa cầm điện thoại vừa gọi 113 suốt quãng đường, vừa bám vào gạt nước, ăng ten thì Tuấn có thể còn an toàn để mà khai báo như vậy được không? Thế nhưng, vấn đề này đã không được trả hồ sơ để thực nghiệm điều tra để làm rõ.

Ngoài những vết bẹp, xước trên xe của Lan thì có nhiều dấu vết có màu xanh, trắng, đỏ. Việc xác định các dấu vết này là rất quan trọng để xác định Lan có lạng lách, đánh võng nhằm hất Tuấn xuống như Cáo trạng quy kết để bị coi là “Giết người” không? Mặt khác, nếu đó là vết mũ bảo hiểm của Tuấn, Lâm thì đó cũng là căn cứ để xem xét trách nhiệm của Tuấn và Lâm, đồng thời miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho Lan trong vụ án này. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cũng không trưng cầu giám định các vết đó là do va chạm với vật gì: ô tô, xe máy, cây cối hay gạch, đá hay vết sơ trên mũ bảo hiểm do Tuấn, Lâm đập vào? Như vậy thì không có cơ sở để kết luận Lan lái xe lạng lách và vào gốc cây bên đường nhằm giết Tuấn như Cáo trạng nêu. Đây cũng là vấn đề mà Tòa án đã yêu cầu làm rõ trong lần trả hồ sơ lần thứ nhất vào ngày 20/9/2013.

Một điểm bất thường nữa là trong vụ án xuất hiện nhân chứng không có thật là anh Sơn do Thắng khai và kết luận điều tra cùng cáo trạng lấy làm căn cứ cho rằng: Sơn là người cùng thôn với anh Nguyễn Đắc Thắng đi ăn cưới về cũng bị Lan tạt xe ô tô, trên nóc capo lúc đó có Tuấn khiến xe của Sơn phải lao xuống rệ đường tránh, lại là nhân chứng không có thật. Vì chính VKS và Công an đã đến công an xã Xuân Phương để xác minh nhưng không có ai tên Sơn biết sự việc trên cả.

Chính vì những mâu thuẫn và các căn cứ chưa đủ tin cậy, vững chắc để kết tội Lương Thị Kim Lan phạm tội giết người, nên ngày 26/11/2013, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm vụ án lại phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra, làm rõ những vấn đề trên.

Duy Thưởng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *