TÒA ÁN TRẢ HỒ SƠ ĐIỀU TRA BỔ SUNG LÀ ĐÚNG ĐẮN

http://phaply.net.vn/…/toa-an-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-la…

ngày đăng bài: 16/ 7/ 2012
Tai nạn giao thông lỗi hỗn hợp
Theo Bản kết luận điều tra số 57/KLĐT (ĐTHS) ngày 06/3/2012 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) thì vào khoảng 17h40 phút ngày 30/6/2011tại Km11+800 đường Ngọc Hồi đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông, tại hiện trường có một chiếc ô tô chẹt chết người. Nguyên nhân được CQĐT xác định là do Nguyễn Văn Hưng (Cụm 2, Duyên Trường, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) có giấy phép lái xe vượt từ làn xe máy qua làn xe tải trước một xe ô tô kéo rơ moóc biển kiểm soát 28H – 5764 (Rơ moóc BKS 28R – 0028) sang làn đường xe con. Tại làn đường giáp ranh giữa làn xe con và làn xe tải, Hưng vượt bên phải chạm tay lái vào một xe mô tô cùng chiều do Trần Văn Vĩnh – không có giấy phép lái xe điều khiển – chở anh Trần Văn Đinh ngồi sau. Hai xe mô tô va chạm tay lái gây loạng choạng. Cùng lúc đó, xe tải kéo rơ móc BKS 28H-5764 đang đi giữa làn xe tải và làn xe con đã tránh tai nạn bằng cách đánh tay lái sang trái lao hết sang làn đường xe con. Chẳng may, hai xe máy mất lái lại lao sang trái vào làn đường xe con nên xe ô tô đã chèn qua người Trần Văn Định và va chạm vào hai xe máy. Dù trước đó lái xe ô tô đã phanh gấp để lại vết trượt kép phanh hãm lực “chết” trên mặt đường cách nơi chèn qua người nạn nhân dài tới 18m (!?).Theo chuẩn đoán pháp y thì cái chết của anh Định là do đè ép của xe ô tô có khối lượng lớn.
Xác định Trần Văn Vĩnh không có giấy phép lái xe, điều khiển xe đi sai làn đường va chạm dẫn đến ngã là hành vi vi phạm hành chính, Cơ quan công an đã xử phạt tiền Vĩnh về hành vi này. Do lái xe ô tô khai lúc tai nạn xảy ra đang điều khiển xe với tốc độ 40km/h là phù hợp với tốc độ quy định nên không có lỗi. Do đó, không truy cứu trách nhiệm hình sự. Lỗi của vụ tai nạn giao thông này hoàn toàn do Nguyễn Văn Hưng vượt xe không đủ điều kiện an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ.
Căn cứ quy định pháp luật, Viện Kiểm sát huyện Thanh Trì truy tố Nguyễn Văn Hưng khoản 1 Điều 202 Bộ Luật Hình sự tội “Vi phạm quy định về điểu khiển giao thông đường bộ” có mức xử phạt cao nhất, tù có thời hạn là năm năm”.
Bị cáo kêu oan
Ngay sau khi biết mức xử phạt đối với mình có thể lên tới 05 năm tù giam, trong khi Việt và Vĩnh không bị xử lý hình sự, Hưng đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng kêu oan.
Bởi ngay từ Đơn xin đầu thú và bản hỏi cung đầu tiên ngày 8/7/2011 – sau khi được đưa đi cấp cứu, điều trị về, lời khai của Hưng không khớp với Việt và Vĩnh là hai người vừa liên\ quan tới vụ tai nạn vừa có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Lúc đó, Hưng khai nhận có đi sai làn đường nhưng không vượt phải mà đi song song với một chiếc xe Dream phía bên tay phải của mình, sau đó chiếc xe này đi chậm và thụt lại. Tự nhiên Hưng thấy xe hơi loạng choạng và mất lái, rồi ngã. Thế nhưng, đến các ngày 8/12/2011 và ngày 2/1/2012, Hưng có hai lời khai tại cơ quan điều tra cùng hai bản kiểm điểm gửi Công an huyện Thanh Trì, trong đó khai lại là Hưng vượt phải xe Vĩnh gây va chạm, dẫn đến hai xe cùng đổ ra tại nơi va chạm cho phù hợp với lời khai ban đầu của Việt vào ngày 1/7/2011 sau ngày xảy ra tai nạn 01 ngày và của Vĩnh sau đó là do ngày 22/8/2011, Việt đã hỗ trợ 100 triệu đồng và ngày 13/10/2011, Hưng cũng hỗ trợ gia đình nạn nhân 10 triệu đồng, gia đình nạn nhân viết đơn bãi nại cho Việt và Hưng nên cán bộ điều tra hướng dẫn Hưng khai cho khớp các lời khai của người khác để khép lại vụ án vì hai bên đã giải quyết dân sự với nhau xong rồi?
Nhiều tình tiết chưa được làm rõ
Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, trong vụ án này, hồ sơ thể hiện, việc điều tra chưa được toàn diện và thiếu thống nhất.
Thứ nhất là: Biên bản khám nghiệm và bản vẽ hiện trường vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông lập ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn khoảng 45 phút cho thấy việc cho rằng Hưng vượt phải gây va chạm là thiếu thuyết phục, bởi:
Tại hiện trường xe Vĩnh và xe Hưng nằm cùng một chỗ. Xe của Hưng đổ sang bên trái đường, nằm ngay sát dải phân cách phía tay trái, quay ngược chiều với xe của Vĩnh. Phần lớn xe máy nằm trong gầm đầu xe ô tô, bánh xe trước của Hưng sát với bánh xe ô tô. Còn bánh xe ô tô thì chèn hẳn lên mép dải phân cách bên trái.
Xe Vĩnh nằm bên phải và đổ nghiêng sang bên tay phải cách dải phân cách khoảng 1,8 – 2,0m, bánh trước xe máy cách đầu xe ô tô khoảng 0,5m. Bánh xe trước xe Vĩnh sát vào bánh sau xe Hưng. Trước khi nằm gần xe Hưng, xe Vĩnh đã để lại một vết cày mài trên đường dài đến 23,6m. Điểm bắt đầu của vết cày mài là từ làn xe tải ngay sát với vết phanh “cháy” trên đường của xe ô tô và kết thúc ở chỗ để chân xe máy nơi các xe đã dừng lại. Vết mài này trượt trùng với lốp ô tô. Và trên vết mài không đứt đoạn đó kéo dài được khoảng 18m là vị trí anh Định bị xe ô tô cán qua gây tử vong.
Xe ô tô và rơ moóc để lại vết phanh cháy trên đường khoảng 30m. Ngoài ra không phát hiện dấu vết gì khác.
Như vậy, có thể thấy xe Vĩnh đã đổ trước xe Hưng ít nhất là 20m chứ không phải là hai xe đổ cùng một lúc. Chỉ có xe Vĩnh là bị ô tô rê đẩy đi để lại vết mài trên đường chứ không có xe của Hưng.
Thứ hai: Trong “Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông” của Công an huyện Thanh Trì một số dấu vết trên xe ô tô do Việt lái, xe mô tô của Hưng và Vĩnh không được thể hiện đầy đủ và rõ đặc điểm. Vì vậy, khi gửi Viện khoa học Hình sự – Bộ Công an giám định dấu vết va chạm, cơ quan này đã không thể giám định được vì không đủ yếu tố để giám định. Điều này được thể hiện, khi Cơ quan điều tra đã gửi bản sao một số tài liệu tới Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an yêu cầu giám định dấu vết va chạm giữa các xe này trong vụ tai nạn giao thông. Ngày 17/8/2011, Viện khoa học Hình sự đã có Bản Kết luận giám định số 1810/C54(P3) kết luận: Với những tài liệu được gửi, chỉ kết luận được có dấu vết va chạm giữa xe của Hưng điều khiển với xe ô tô kéo rơ moóc. Còn dấu vết va chạm giữa xe ô tô kéo rơ moóc với xe do Vĩnh điều khiển chở anh Định đã bị xe ô tô chèn qua người gây chết qua các bản ảnh giám định “dấu vết không đủ yếu tố giám định truy nguyên đồng nhất” – tức là “không đủ yếu tố để giám định dấu vết va chạm”.
Thứ ba: Ngoài ra, việc Cơ quan điều tra chỉ yêu cầu giám định dấu vết va chạm mà không yêu cầu giám định mức độ va chạm, tốc độ của xe ô tô lúc bấy giờ mà chỉ căn cứ vào lời khai sẽ dẫn tới các tình tiết của vụ án không được khách quan. Bởi, tốc độ của xe ô tô khi tham gia giao thông có thể là một trong các yếu tố bắt buộc để đánh giá khả năng điều khiển và làm chủ tốc độ của người lái. Nếu giám định mà cho kết quả lái xe ô tô đã điều khiển xe lúc đó quá tốc độ cho phép (quá 40km/h) thì việc xác định lỗi trong vụ án này phải khác đi. Vết phanh “chết” trên mặt đường dài như vậy chứng tỏ tốc độ xe là không thấp. Việc xác định khối lượng xe ô tô, tình trạng lốp xe của phương tiện gây ra tai nạn và đặc điểm chi tiết mặt đường trong vụ án này cũng chưa được làm rõ.
Thứ tư: Theo quy định tại Điều 6 Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an) thì việc khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông là bắt buộc với các yêu cầu như: đo kích thước thực tế của phương tiện (chiều rộng, chiều dài, chiều cao), kiểm tra lốp xe, kiểm tra hàng hóa trên xe, loại hàng, tải trọng… (Điểm c, g, h Điều 6).
Thế nhưng hồ sơ không thể hiện các cơ quan có nhiệm vụ giải quyết TNGT tiến hành những hoạt động này. Đây là một vi phạm tố tụng nghiêm trọng ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ án và cần được điều tra bổ sung, làm rõ trước khi xét xử để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án này.
Trong hai ngày 25, 26/6/2012, sau hai lần hoãn phiên tòa, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã mở phiên tòa xét xử vụ án. Điều bất ngờ là tại phiên tòa, Hoàng Văn Việt đã khai lúc gây tai nạn giao thông, Việt đang điều khiển xe với tốc độ khoảng 50km/h, không đúng với tốc độ 40km/h như kết luận của cơ quan điều tra. Với tốc độ này rõ ràng Việt đã lái xe quá tốc độ cho phép và vi phạm an toàn giao thông. Từ những tình tiết bất thường của vụ án nêu trên, Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tọa phiên tòa đã quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra làm rõ các vấn đề: Vận tốc của xe ô tô do Hoàng Văn Việt điều khiển khi xảy ra tai nạn là bao nhiêu? Lý do tại sao xe Dream 29L1-8016 do Trần Văn Vĩnh điều khiển lại đổ sang phải, xe Serius 33P6-8977 do Nguyễn Văn Hưng điều khiển đổ sang bên trái đường Ngọc Hồi? Giải thích diễn biến, cơ chế va chạm giữa các xe khi xảy ra tai nạn? Cơ chế ngã của Hưng và Việt? Đây là những vấn đề không thể bổ sung, làm rõ tại phiên tòa.
Nguyễn Hồng Khánh
Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *