http://baophapluat.vn/tu-phap/nguoi-bi-tam-giu-tam-giam-se-khong-con-yeu-the-trong-vong-lao-ly-206089.html
(PLO) – Về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam đã có sự tương thích với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, nhưng nhiều quy định vẫn cần được điều chỉnh thêm để chấm dứt tình trạng tra tấn, nhục hình, bức cung, ép cung trong quá trình tạm giam, tạm giữ…
Có quyền mà vẫn… yếu thế
Theo kết quả khảo sát từ tháng 1 đến tháng 4/2013 của nhóm nghiên cứu (gồm chuyên gia của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội), các quyền của người bị TGTG đang bị hạn chế điều kiện thực thi đầy đủ khiến nhiều quyền rất hay bị vi phạm. Điển hình như quyền được thông báo về việc bị bắt cho gia đình thường chỉ mang tính hình thức, thủ tục để đưa vào hồ sơ vụ án chứ không thực sự để người bị tạm giam được hưởng các quyền lợi chính đáng.
LS.Huỳnh Phương Nam (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, rất nhiều trường hợp thấy người thân tự dưng “biến mất” nhưng gia đình cũng không biết bị cơ quan nào bắt, không biết giam ở đâu mà phải tự tìm hiểu để tiếp tế. Ngay cả LS cũng rất khó khăn để tìm ra cơ quan đã bắt thân chủ để làm thủ tục bào chữa. Thực tế, hầu như gia đình của bị can, bị cáo thường không được gặp người thân trong quá trình tạm giam.
Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an khẳng định, việc tổ chức cho người bị TGTG nhận quà thăm nuôi, gặp thân nhân, gặp LS, người bào chữa hoặc tiếp xúc lãnh sự trong quá trình giam giữ đều được giải quyết theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhưng kiểm tra, giám sát chặt chẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả việc thông cung và đưa vật cấm vào buồng giam cũng như các vi phạm trong quá trình tiếp xúc, thăm gặp.
Tuy nhiên, theo giới LS, chính qui định của Quy chế TGTG về việc người bị TGTG “có thể được gặp thân nhân, LS hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án giải quyết” đã khiến quyền gặp người thân của người bị TGTG bị hạn chế, có tình trạng tùy tiện quyết định của cơ quan thụ lý vụ án và thường là từ chối cho người bị TGTG thực hiện quyền này để “tránh rắc rối”. Thậm chí, nhiều trường hợp quyền gặp thân nhân trở thành điều kiện để người bị TGTG, thân nhân của họ phải chấp nhận những cáo buộc không đúng với họ để gặp nhau…
Bên cạnh đó, những điểm còn tồn tại trong qui định pháp luật liên quan đến TGTG (như Điều 83 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định cơ quan điều tra phải lấy lời khai của người bị bắt ngay, trong khi người bào chữa chỉ có thể tham gia từ khi khởi tố bị can hoặc khi có quyết định tạm giữ) đã để ngỏ nguy cơ điều tra viên sử dụng các biện pháp trái pháp luật để lấy lời khai nhằm nhanh chóng để người bị bắt khai nhận tội.
Vì thế đã có những trường hợp người bị bắt, TGTG tử vong tại trụ sở công an, UBND xã hoặc nhà tạm giữ thuộc công an cấp huyện, hoặc sau khi được đưa từ những địa điểm này đến bệnh viện như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Kiều (tại Công an TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), ông Nguyễn Mậu Thuận (Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội)…, làm “nóng” yêu cầu thực thi các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật LS về sự có mặt của LS trong quá trình giải quyết vụ án.
Như phân tích của LS. Trương Văn Dũng, việc thực thi các qui định về sự có mặt của LS lại đang có nhiều “sạn”, gây bất bình đẳng trong tố tụng hình sự. Không ít trường hợp các câu hỏi của LS và lời khai của bị can trong quá trình LS tham gia hỏi cung cùng điều tra viên đã không được đưa vào biên bản hỏi cung và điều tra viên cũng không giải thích lý do. Đây là hậu quả của việc pháp luật trao cho điều tra viên thẩm quyền quyết định “người bào chữa có quyền hỏi cung bị can” hay không và lại không qui định câu hỏi của LS và trả lời của bị can có được sử dụng hay không, làm hạn chế việc cung cấp chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo thông qua hỏi cung…
Ngoài trở ngại từ khuôn khổ pháp luật liên quan đến TGTG còn nhiều sơ hở dẫn tới nguy cơ quyền của những người bị TGTG bị vi phạm thì tính khép kín quá mức của hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam làm cho việc giám sát của các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế rất khó thực hiện, cơ chế giám sát hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam của các cơ quan chưa được phân định rõ ràng, hoạt động giám sát mang nặng tính hình thức, các báo cáo giám sát chưa được công bố công khai, trong khi còn thiếu các cơ chế pháp lý thuận tiện, hiệu quả để tiếp nhận và giải quyết những khiếu nại, tố cáo vi phạm quyền của người bị TGTG nên những vi phạm không hoặc chậm được phát hiện, xử lý. Hơn nữa, tình trạng quá tải của hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam, việc quản lý ở một số cơ sở còn lỏng lẻo dẫn tới tình trạng trấn cướp, nạn “đầu gấu”, “đại bàng” vẫn còn diễn ra khiến quyền của người bị TGTG luôn gặp nguy cơ bị vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để quyền không bị “bỏ rơi”
Tôn trọng và bảo vệ quyền của người bị TGTG là điều kiện quan trọng đảm bảo một qui trình tố tụng công bằng, khách quan ngay từ giai đoạn đầu. Nên “làm thế nào để bảo đảm cho người bị TGTG không còn là kẻ yếu thế?” là câu hỏi vẫn đang chờ lời giải đáp. LS.Đặng Dư (Đoàn LS tỉnh Ninh Bình) cho rằng, cần có sự chuyển biến của những người thực thi pháp luật và của cả cộng đồng xã hội vì thực tế thi hành các qui định về quyền của người bị TGTG cho thấy, pháp luật có qui định nhưng người thừa hành pháp luật không nghiêm, không đầy đủ sẽ khiến cho qui định đó trở nên hình thức. Cùng với đó, nhận thức của người có quyền bị hạn chế thì các quyền đó cũng khó có cơ hội được thực hiện.
Nhưng quan trọng nhất là các qui định của pháp luật cần phải được điều chỉnh rõ ràng, thống nhất và bao quát được các vấn đề, không qui định tùy nghi hoặc dành quá nhiều quyền quyết định cho người tiến hành tố tụng như hiện nay để quyền của người bị TGTG không bị “bỏ rơi”.
Nhóm nghiên cứu của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan theo hướng cho phép thăm gặp trong thời gian tạm giam bằng chế độ đăng ký, thay vì chế độ cấp phép như hiện nay để quyền thăm thân được thực hiện đúng tinh thần nhân văn của Bộ luật Tố tụng hình sự; đồng thời mở rộng đối tượng được đến thăm vì có nhiều người bị tạm giam không còn cha mẹ, chưa có vợ/chồng, con hoặc những người thân này không có điều kiện đến thăm gặp mà phải nhờ những người có quan hệ ruột thịt khác hoặc bạn bè.
Để đảm bảo an ninh, các chuyên gia cho rằng, có thể qui định cho người bị tạm giam chỉ định và thông báo với cơ quan điều tra về người mình cần gặp… để hiện thực hóa quyền thăm thân, vừa để bảo đảm tốt nhất quyền con người trong điều kiện cho phép, vừa thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước đối với những người bị nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ phán quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với việc qui định tạo điều kiện cho LS, người bào chữa có cơ hội tiếp cận sớm với người bị TGTG ngay từ khi bị bắt, tạm giữ hoặc bị khởi tố tạm giam, nhiều luật gia, LS nhấn mạnh đến cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền của người bị TGTG. Hiện các cơ quan tố tụng đã có qui định và cơ bản thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát nhà tạm giữ, trại tạm giam, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền của người bị TGTG. Tuy nhiên, với những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, hoạt động kiểm tra, gia sát cần được phát huy và tăng cường hơn nữa, nhất là từ phía các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí…
Thậm chí có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét vấn đề nên giao cho một cơ quan chuyên trách như Bộ Tư pháp quản lý trại tạm giam hoàn toàn độc lập với cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo khách quan, tránh những vụ án oan, sai do bức cung, dùng nhục hình hay vi phạm các quyền khác của người bị TGTG…
Những vấn đề còn tồn tại trong công tác TGTG sẽ được nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự và xây dựng Luật TGTG sắp tới. Tuy nhiên, một vấn đề không kém phần quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật của người thực thi pháp luật và nhận thức của người có quyền cần phải được quan tâm triệt để mới mong không còn những oan, sai trong tố tụng xuất phát từ giai đoạn TGTG./.