QUYỀN THĂM THÂN VỚI NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

QUYỀN THĂM THÂN VỚI NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
http://thanhtravietnam.vn/vi-VN/News/PrintDraft.aspx…
(ThanhtraVietnam) – Vấn đề quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam từ trước tới nay vẫn chưa được quan tâm nhiều mặc dù nó hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam trong vụ án hình sự. Để có sự áp dụng thống nhất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, việc nghiên cứu và hoàn thiện chế định quyền thăm thân để bổ sung quy định vào Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết.

Hiện nay, chưa có điều luật cụ thể nào định nghĩa hay giải thích về quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam và đối tượng nào được xác định là người thân của họ để có quyền thăm thân với họ.

Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội), có thể tạm hiểu “quyền thăm thân” trong trường hợp này là quyền của người đang trong quá trình bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, tạm giam được tiếp cận thông tin, tiếp xúc với người thân và được tiếp tế những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu của họ trong quá trình đó.

Hiện nay, các quy định về quyền thăm thân được áp dụng theo “Quy chế tạm giữ, tạm giam” theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ và đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002. Nhưng các Nghị định này đều căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992 và 2000, đến nay đã hết hiệu lực). Mặc dù hiện nay các văn bản dưới luật này vẫn đang được áp dụng nhưng đã lạc hậu vì sau đó Bộ luật Tố tụng hình sự (mới) đã được ban hành tháng 11.2003 và có hiệu lực từ 01/7/2004.

Cũng theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, trong các quy định dưới luật này, đối tượng được thăm thân cũng không quy định là “gia đình” của người bị bắt như trong Bộ luật Tố tụng hình sự mà được gọi là “thân nhân” của người bị tạm giữ, tạm giam. Thân nhân được hiểu là người thân của họ nhưng giới hạn phạm vi đối tượng người thân đến đâu thì cũng không có quy định nào ghi rõ.

Do đó, vấn đề quyền thăm thân và đối tượng được thực hiện quyền thăm thân đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam cần phải được quy định cụ thể hơn để việc áp dụng được thống nhất, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị tạm giữ, tạm giam.

Thông báo về việc bắt giữ cho thân nhân
Theo Báo cáo khảo sát “Thực hiện quyền thăm thân của người bị tạm giam trước khi xét xử: hiện trạng và khuyến nghị” do Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, phối hợp với một số nhà nghiên cứu của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tiến hành, kết quả cho thấy, khi phỏng vấn các thân nhân về việc thực hiện nghĩa vụ thông báo của cơ quan điều tra thì có tỷ lệ cao các ý kiến đồng thuận cho phương án “thông báo ngay” (chiếm 24,5%) và “không thông báo” (chiếm 28,6%), số còn lại cho rằng cơ quan điều tra thực hiện việc thông báo chậm từ sau 24h đến sau 5 ngày, thậm chí không được thông báo.

Về cách thức thông báo việc bắt giữ, số đông các thân nhân và nhóm luật sư được hỏi đều xác nhận hai hình thức chủ yếu là thông báo trực tiếp cho thân nhân (30,6% của nhóm thân nhân và 41,8% của nhóm luật sư) và thông báo gián tiếp qua UBND xã, phường nơi thân nhân cư trú (28,6% của nhóm thân nhân và 37,4% của nhóm luật sư). Có 22,4% các thân nhân nói rằng đồng thời với gửi văn bản thông báo qua UBND thì cơ quan điều tra cũng gọi điện thoại thông báo cho họ về việc bắt giữ.

Thực tế cho thấy, thông thường, gia đình người bị bắt phải tự tìm hiểu bằng nhiều cách để biết được người thân của mình bị giam ở đâu để tiếp tế. Việc thông báo như vậy thường chỉ mang tính hình thức, thủ tục để đưa vào hồ sơ vụ án chứ không thực sự để người bị tạm giam được hưởng các quyền lợi chính đáng của họ.

Như vậy, việc thông báo bắt giữ cho người thân còn nhiều bất cập. Rất nhiều trường hợp, gia đình người bị tạm giam bỗng nhiên thấy người thân “biến mất”, không biết cơ quan nào bắt, nếu biết thì cũng không biết giam ở đâu. Bản thân luật sư khi được gia đình họ mời tham gia bào chữa cũng phải rất vất vả mới xác minh được người đó bị giam ở đâu để thông tin lại cho gia đình họ.

Đảm bảo quyền con người trong bắt, giam, giữ
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nếu như việc bắt, tạm giữ, tạm giam người cần phải có căn cứ là yếu tố quan trọng đầu tiên để bảo đảm không làm oan người vô tội và cũng không hạn chế quyền tự do thân thể trong những trường hợp không thực sự cần thiết, thì việc tạm giam, tạm giữ đúng thời hạn luật định và cũng chỉ tạm giữ, tạm giam trong thời hạn thực sự cần thiết là yếu tố có tính quyết định đến hiệu quả của việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Người bị tạm giam không bị tước đoạt hết, nhưng bị hạn chế về quyền công dân. Quyền thăm thân của gia đình, người thân của người đang bị tạm giam là quyền con người, cần phải quy định bằng văn bản luật mà không nên quy định bằng văn bản dưới luật. Đó là ý kiến của GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Viện nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển.

Theo ông Vũ Việt Hùng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì có thể thấy, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về quyền được thăm thân của phạm nhân. Đối với người bị bắt giam, bị tạm giữ, tạm giam, trong Bộ luật Tố tụng hình sự mới chỉ những quy định về quyền của họ khi tham gia tố tụng, chưa quy định về quyền được thăm thân.

Thực tiễn cho thấy, đối với các vụ án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng, án do Cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra thì việc cho phép thăm thân là rất hạn chế, lý do duy nhất được đưa ra ở đây là để bảo đảm bí mật điều tra, tránh trường hợp thông cung… Hơn nữa, việc cho phép người bị tạm giữ, tạm giam được tại ngoại khi gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (như người thân chết, bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo… ) nhiều khi cũng không được thực hiện.

Do đó, để đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền được thăm thân của người bị tước tự do do vi phạm pháp luật, ông Vũ Việt Hùng cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền được thăm thân, được gia đình, người thân chăm sóc, điều trị y tế khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo… trong quá trình giam giữ./.
Hoàng Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *