Vụ cựu “VIP” TrustBank hầu toà: Đề nghị xem lại tội danh

http://bizlive.vn/ngan-hang/vu-cuu-vip-trustbank-hau-toa-de-nghi-xem-lai-toi-danh-3448020.html

Luật sư bào chữa cho cựu chủ tịch TrustBank đề nghị xem xét lại tội danh, người bào chữa cho nguyên tổng giám đốc thì cho rằng, chưa đủ cơ sở quy kết tội danh và nếu có thì mức án 5-6 năm là cao.

Cuối phiên xử chiều 3/5, sau phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát (VKS), các luật sư tiếp tục tranh tụng.

Tội cố ý vi phạm hay thiếu trách nhiệm?

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá xem xét cho bị cáo 2 vấn đề.

Một là, chấp nhận lời khai của bị cáo tại thời điểm phê duyệt 2 món vay của công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương bị cáo thực hiện đúng quy trình tín dụng. Hai là, phân định lại hành lang pháp lý từ hành vi của bị cáo là cố ý vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hay thiếu trách nhiệm.

Luật sư chứng minh trong 5 điều kiện cho vay, khi phê duyệt bị cáo Toàn không cố ý vi phạm 2 điều kiện mà VKS cáo buộc là bỏ qua báo cáo tài chính và chứng thư DATC không hợp lệ.

“Bị cáo không biết công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương là công ty con của ông Phạm Công Danh nên ý thức chủ quan không có động cơ tư lợi bị ép buộc áp lực khi phê duyệt. Xác minh tại Ngân hàng Nhà nước, tại Bộ Tài chính và tại DATC thì bị cáo cho rằng chứng thư thẩm định giá của DATC có thể tham khảo cho mục đích vay vốn nên không sai”, luật sư nêu.

Chưa đủ cơ sở kết luận bị cáo Trần Sơn Nam phạm tội

Luật sư Huỳnh Phương Nam, bào chữa cho bị cáo Trần Sơn Nam, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín cho rằng chưa đủ cơ sở kết luận bị cáo Trần Sơn Nam phạm tội.

Luật sư nêu, cáo trạng cho rằng các bị cáo đã vi phạm khi không yêu cầu Công ty vay vốn cung cấp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không quy định cụ thể văn bản, tài liệu nào là bắt buộc phải có để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng mà để cho tổ chức tín dụng (TCTD) tự xem xét, đánh giá theo thực tế.

Trong khi đó, tại tòa các bị cáo đã giải thích do 2 công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương mới được thành lập vài tháng nên chưa thể có báo cáo tài chính (BCTC). BCTC thường chỉ được xem là quan trọng trong việc cho vay với mục đích sản xuất, kinh doanh thương mại. Trong trường hợp này là vay để chuyển nhượng bất động sản, có vốn đối ứng, có hợp đồng đầu ra đầu vào, được đảm bảo bằng chính tài sản giao dịch, có số dư trên 30%, khoản lãi trên 300 tỷ đồng và chuyển tiền ủy nhiệm chi qua ngân hàng thì BCTC không phải là yếu tố quan trọng khi xem xét phê duyệt cho vay. Điều quan trọng là ngân hàng đưa ra biện pháp như thế nào để có thể kiểm soát được giao dịch.

Theo đó, để hạn chế rủi ro thì ngay trong Tờ trình 970 CN Sài Gòn cũng nêu ký hợp đồng thế chấp, công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định… Trong công văn số 2503 và 2504 của Tổng giám đốc Trần Sơn Nam gửi cho Chi nhánh Sài Gòn về việc đồng ý cho vay đối với hai công ty đều yêu cầu các điều kiện kèm theo như các đề xuất của Chi nhánh Sài Gòn tại tờ trình 970, chi nhánh Sài Gòn có trách nhiệm kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay và bổ sung chứng từ sử dụng vốn theo đúng quy định của ngân hàng…

Về chứng thư thẩm định giá, luật sư Nam cho rằng, không có quy định pháp luật nào quy định ngân hàng phải lựa chọn đơn vị thẩm định giá nào để xác định giá trị tài sản thế chấp. Với hồ sơ được trình, đã có chứng thư thẩm định giá của Công ty DATC – có chức năng, chuyên môn thẩm định giá, thuộc Bộ Tài chính. Vì vậy, các bị cáo cũng sẽ không nhận biết được các phương pháp mà Thẩm định giá viên áp dụng là thặng dư hay so sánh là đúng hay sai mà chỉ căn cứ vào kết quả thẩm định giá, lấy giá trị đó để phê duyệt cho vay.

“Việc các bị cáo sử dụng kết quả thẩm định giá của DATC là không vi phạm pháp luật. Việc CQĐT cho rằng giá trị thẩm định là khống, cao hơn nhiều so với giá thị trường thì trách nhiệm cũng không thuộc về các bị cáo”, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Sơn Nam nêu.

Về con số thiệt hại của vụ án, luật sư Nam cho rằng, cáo trạng kết luận các bị cáo có hành vi vi phạm trong việc phê duyệt cấp tín dụng cho 2 khoản vay của Công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 471 tỷ đồng là chưa chính xác. Bởi lẽ, theo Bản án hình sự phúc thẩm số 30 ngày 24/1/2017 của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập Đoàn Thiên Thanh có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn lại cho Ngân hàng Xây dựng số nợ gốc còn lại của 2 khoản vay của 2 công ty hơn 189 tỷ đồng và toàn bộ tiền lãi đối với 2 khoản vay theo hợp đồng đã ký.

“Điều này cho thấy, đây là quan hệ tín dụng vay và cho vay giữa ngân hàng với khách hàng. Việc khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng chưa hẳn là thiệt hại nếu sau này khoản nợ tiếp tục được thanh toán”, luật sư Nam nêu.

Về mức án đề nghị của VKS với bị cáo Trần Sơn Nam từ 5-6 năm tù. Luật sư Nam đánh giá, nếu có căn cứ kết tội bị cáo thì mức đề xuất này cũng không công bằng. Vì cũng theo Bản án hình sự phúc thẩm số 30 ngày 24/1/2017 của TAND Cấp cao tại TP.HCM, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thịnh Quốc (GĐ Cty Thịnh Quốc) Trần Hà Thu (GĐ Cty Đại Hoàng Phương) là người trực tiếp ký vào các hồ sơ bị quy kết là ngụy tạo để vay vốn, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín. Bị cáo Trần Sơn Nam chỉ là người gián tiếp khi tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ vay vốn, thực chất là nạn nhân của hành vi gian dối của các giám đốc trên. Vậy thì việc đề xuất mức án bị cáo Trần Sơn Nam cao hơn họ là không công bằng, nếu như đủ căn cứ kết tội bị cáo.

“Từ những phân tích trên, theo quan điểm của tôi, chưa đủ cơ sở kết luận bị cáo Trần Sơn Nam phạm tội như cáo trạng quy kết. Mong HĐXX xem xét”, luật sư Nam cho biết.

HUYỀN TRÂM

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *