Vụ lái xe ô tô đi đường, chèn chết người tại sai làn đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội: CHƯA LÀM RÕ TỐC ĐỘ XE Ô TÔ KHI GÂY TAI NẠN ĐÃ KẾT LUẬN LÁI XE VÔ CAN?

Tố tụng Thứ Tư, 23/05/2012 12:00
http://phapluatxahoi.vn/…/chua-lam-ro-toc-do-xe-o-to-khi-ga…

(PL&XH) – Theo anh Hưng, anh không phải là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân mà chính là xe ô tô đầu kéo BKS: 28H – 5764. Nhưng lái xe trong vụ việc này… chỉ đóng vai trò liên quan trong vụ án.

Việc một mình bị truy tố trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội xảy ra vào cuối tháng 6-2011 khiến anh Nguyễn Văn Hưng, SN 1981, trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội hụt hẫng và thấy rằng cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm và chưa làm rõ các yếu tố liên quan đến vụ án. Theo anh Hưng, anh không phải là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân mà chính là xe ô tô đầu kéo BKS: 28H – 5764. Nhưng lái xe trong vụ việc này… chỉ đóng vai trò liên quan trong vụ án.

Cái chết thảm dưới gầm xe tải
Theo cáo trạng của VKSND huyện Thanh Trì, Hà Nội, vào khoảng 17h40 ngày 30-6-2011, Nguyễn Văn Hưng (là người có giấy phép lái xe hạng A1) điều khiển xe máy BKS: 33P6-8977 trên đường Ngọc Hồi (theo hướng Pháp Vân – Thường Tín). Khi đến Km 11+800 đường Ngọc Hồi, thuộc thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hưng cho xe vượt phải xe ô tô đầu kéo BKS 28H – 5764, kéo theo rơ mooc BKS 28R – 0028 do anh Hoàng Văn Việt, SN 1980, trú tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định điều khiển cùng chiều. Sau khi vượt chiếc xe trên, Hưng vượt tiếp xe máy BKS 20L1 – 8016 do Trần Văn Vĩnh, SN 1992, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, điều khiển phía sau chở anh Trần Văn Định, SN 1976, trú tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đi cùng chiều, làm xảy ra tai nạn. Hậu quả, bánh xe của chiếc xe ô tô BKS 28H – 5764 chèn qua người anh Trần Văn Định, khiến anh này tử vong tại chỗ.
Luật sư Huỳnh Phương Nam, Văn Phòng Luật sư Huỳnh Nam (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong vụ án này, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của nạn nhân Trần Văn Định là do tác động chèn ép của xe ô tô có khối lượng lớn (bánh xe ô tô chèn qua vùng lưng, thắt lưng của nạn nhân). Tuy nhiên, trong bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, CQCSĐT và VKSND huyện Thanh Trì đã xác định anh Hoàng Văn Việt, người lái xe ô tô (BKS 28H-5764 kéo theo rơ moóc BKS 28R-0028) không có lỗi trong vụ TNGT nên chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với một mình bị cáo Hưng về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, dẫn tới hậu quả chết người là chưa thỏa đáng.
Bởi theo luật sư Huỳnh Phương Nam thì trong vụ án này, bị cáo Hưng đi xe mô tô sang làn đường dành cho xe ô tô tải, nhưng anh Trần Văn Vĩnh chở anh Trần Văn Định (nạn nhân), không có giấy phép lái xe và cũng đi sang làn đường dành cho ô tô tải. Bên cạnh đó, lúc trước khi chưa xảy ra tai nạn, anh Hoàng Văn Việt lái xe ô tô đi phía sau cũng đi sai làn, lấn sang làn xe ô tô con. Hưng “vượt bên phải” va chạm với Vĩnh làm hai xe loạng choạng và ngã ra đường. Việt lái xe ô tô lao đến và phanh gấp, chèn qua anh Định làm anh này tử vong ngay tại chỗ. Như vậy, với diễn biến này thì thấy nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân Trần Văn Định là do lái xe ô tô Hoàng Văn Việt gây ra. Bởi theo như kết luận pháp y cũng cho thấy nạn nhân chết là do tác động đè ép của xe ô tô có khối lượng lớn và do bánh xe ô tô chèn qua người nạn nhân. Còn việc Hưng, Vĩnh, kể cả ô tô đi sai làn, Hưng vượt phải gây va chạm chỉ là nguyên nhân gián tiếp.
Lái xe rơ mooc có lỗi hay không?
Trong cáo trạng thể hiện, có thể hiểu nếu Hưng không vượt phải thì không gây ra tai nạn vì sẽ không va chạm với Vĩnh. Tuy nhiên, theo luật sư Nam lý giải thì cũng có thể hiểu ngược lại là nếu Vĩnh không đi sai làn đường thì không thể có việc va chạm với Hưng hoặc nếu Vĩnh có giấy phép lái xe thì đã không xảy ra va chạm, mà nếu va chạm thì chắc gì đã xảy ra tai nạn vì GPLX mới chứng tỏ người tham gia giao thông có đủ điều kiện, khả năng điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, vị trí va chạm giữa Hưng và Vĩnh lại ở giáp ranh làn xe con và nếu Việt lái xe ô tô đi đúng phần đường của xe tải thì đã không chèn qua người anh Định. Hơn nữa, nếu Việt làm chủ được tốc độ, phanh kịp thì chưa chắc đã chèn lên anh Định. Vì vậy, để làm sáng tỏ vụ án, các cơ quan tố tụng cần phải xác định lỗi của những người tham gia giao thông nêu trên để xem họ có lỗi trong việc gây ra cái chết của nạn nhân hay không để loại trừ trách nhiệm của họ cũng như buộc họ phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do lỗi của mình gây ra. Do vậy, trước hết cần xác định người lái xe ô tô trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân có lỗi hay không, rồi sau đó mới xác định lỗi của những người gián tiếp gây ra tai nạn.
Lái xe ô tô không làm chủ tốc độ?
Luật sư Nam cũng cho rằng: Trước tiên, để làm sáng tỏ vụ án thì phải xác định lái xe ô tô Hoàng Văn Việt có làm chủ được tốc độ hay không? Cần xác định tốc độ của xe lúc gây tai nạn là bao nhiêu? Điều này, CQĐT chưa làm rõ được và Cáo trạng cũng không thể hiện. Hồ sơ vụ án thể hiện, tuy đã hỏi lái xe về tốc độ lưu thông của xe ô tô nhưng CQ CSĐT đã hoàn toàn bỏ qua việc giám định tốc độ của xe.
Vì vậy, các điều kiện cần có để xác định lỗi của người lái xe ô tô còn thiếu những yếu tố hết sức quan trọng. Vì đây là yếu tố mang tính chủ quan của người điều khiển ô tô nhưng có thể xác định được thông qua hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn và giám định tư pháp. Việc loại trừ lỗi của lái xe ô tô không thể chỉ đơn thuần suy diễn từ lỗi của một người khác là do bị cáo Nguyễn Văn Hưng vượt sai. Trong khi đó, chính người phụ xe Hoàng Văn Hùng (ngồi bên cạnh lái xe Việt khi xảy ra tai nạn) cũng có lời khai tại CQCA rằng một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn chết người là do “Việt không làm chủ được tốc độ” của xe ô tô (BL 129).
Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy: “Từ hàng bánh kép trước bên trái của đầu kéo 28H – 5764 để lại vết phanh kéo dài 16m20 bằng nhau; từ hàng bánh kép thứ nhất của rơ mooc 28R – 0028 để lại hai vết phanh kép phải, trái bằng nhau dài 18m; từ đầu vết phanh kép bên trái của rơ mooc 28R – 0028 đến đầu phanh kép của đầu kéo 28H – 5764 dài 9m80…”, điều này cùng với một số tài liệu liên quan cho thấy, Hoàng Văn Việt đã phanh gấp khi tai nạn xảy ra và để lại vết phanh rất dài trên đường trước khi chèn bánh xe qua người nạn nhân.
Điều này cho thấy, tốc độ xe ô tô lúc gây tai nạn không thấp, nhưng CQĐT đã không trưng cầu giám định để xác định chính xác tốc độ thực tế của xe ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn mà chỉ dựa vào lời khai của Việt về tốc độ của xe để kết luận Việt không có lỗi đối với cái chết của bị hại là chưa chính xác và chưa điều tra đầy đủ các nội dung, tình tiết của vụ án.
Vì vậy, liệu có phải chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Văn Hưng là người có lỗi gây ra cái chết của nạn nhân Trần Văn Định hay không? Cần thiết phải điều tra làm rõ tốc độ của xe ô tô kéo rơ moóc do Hoàng Văn Việt điều khiển khi gây ra tai nạn và đây là cơ sở pháp lý để xác định chắc chắn ai là người có lỗi hay cùng có lỗi gây ra cái chết cho nạn nhân.
Cần điều tra bổ sung
Tuy nhiên, vừa qua, phiên tòa xét xử đối với một mình bị cáo Nguyễn Văn Hưng về tội ” Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ” vẫn được TAND huyện Thanh Trì đưa ra xét xử và chỉ hoãn phiên tòa khi vắng mặt của đại diện phía bị hại. Dự kiến, phiên xử sẽ tiếp tục mở lại vào ngày 7-6-2012.
Để việc điều tra, truy tố và xét xử được chính xác, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan trong vụ án, không quy kết trách nhiệm hình sự cho riêng bị cáo Nguyễn Văn Hưng một cách thiếu căn cứ. Thiết nghĩ, TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội nên chăng cần xem xét các tình tiết vụ án thật thấu đáo, cần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề liên quan, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Hưng Việt – Ngọc Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *