LY HÔN TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG GIỮ GIẤY TỜ

Câu hỏi: Vợ chồng tôi đã kết hôn từ năm 2014, hiện đã có 1 con trai 2 tuổi và 1 căn nhà trị giá khoảng 600 triệu, trong thời gian chung sống chồng tôi thường xuyên đánh đập xúc phạm tôi. Đỉnh điểm tháng 9/2016, tôi đã phải bế con về nhà ngoại mà không kịp cầm theo bất cứ giấy tờ nào và cũng không thể về lại ngôi nhà đó để lấy được. Hiện tại, tôi muốn ly hôn thật nhanh vì không thể chịu đựng thêm ngày nào nữa nhưng chồng tôi không đồng ý ly hôn hằng ngày vẫn gọi điện, nhắn tin dọa nạt bắt tôi phải bế con về nhà. Tôi phải làm thế nào để ly hôn nhanh trong trường hợp này?
Trả lời:
1. Về thủ tục ly hôn:
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn Nhân và Gia đình 2014 có quy định “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.” Trong trường hợp này, chồng bạn không đồng ý ly hôn nhưng bạn nhận thấy cuộc sống hôn nhân không thể duy trì được thì bạn có thể tự mình làm thủ tục đơn phương ly hôn. Để yêu cầu ly hôn được giải quyết một cách nhanh chóng, trước hết bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ ly hôn.
Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Người khởi kiện gửi đơn kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau:
  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức thư điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý trong các hình thức trên, hiện nay hình thức gửi trực tuyến qua e-mai vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định: Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Việc cung cấp đầy đủ các tài liệu trong hồ sơ ly hôn sẽ giúp Tòa án nhanh chóng xem xét thụ lý vụ án. Tuy nhiên, vì vậy, nếu bạn không thể có được các giấy tờ tùy thân cũng như các giấy tờ khác chứng minh cho quan hệ hôn nhân, con cái, tài sản với chồng mình do người chồng đang giữ thì bạn có thể đề nghị các cơ quan quản lý các loại giấy tờ đó xác nhận và cung cấp. Ví dụ như:
  • Về nơi cư trú của bạn và chồng bạn, sẽ do Công an cấp xã nơi bạn và chồng bạn cư trú xác nhận;
  • Về Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sẽ do Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký kết hôn cấp bản sao từ sổ gốc và bản sao;
  • Về giấy khai sinh của con, sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ, chồng bạn đã khai sinh cho con cấp bản sao;
  • Đối với Chứng minh nhân dân của bạn và chồng, bạn có thể làm đơn xin trình bày rõ lý do, có sự xác nhận của Công an xã, phường nơi có hộ khẩu thường trú; đồng thời, bạn cũng nên có đơn xin cấp lại CMND (theo mẫu) có xác nhận của CA xã, phường nơi có hộ khẩu để làm thủ tục xin cấp lại CMND cho mình..
  • Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn đề nghị UBND cấp có thẩm quyền đã cấp GCN đó xác nhận kèm theo bản sao GCN.
Khi nộp các giấy tờ này cho Tòa án, bạn phải gửi kèm theo đơn nêu rõ việc chồng bạn giữ hết các giấy tờ gây khó khăn cho bạn, khiến bạn không thể có đầy đủ các giấy tờ để nộp cho Tòa án.
Về việc khi bạn bị chồng đánh đập, xúc phạm là chồng bạn đã vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng, theo Điều 5 Luật HN&GĐ quy định về việc bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình thì hành vi bạo lực gia đình là hành vi bị cấm. Nếu bạn đã yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp thì bạn có thể đề nghị chính quyền xác nhận (hoặc hàng xóm xác nhận) việc chồng bạn đánh đập, xúc phạm… Đó cũng là căn cứ để yêu cầu ly hôn và là căn cứ xác định lỗi trong vụ án ly hôn.
2. Về chia tài sản chung sau khi ly hôn:
Theo Khoản 1, Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về: Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy, vợ chồng bạn có thể tự thỏa thuận việc phân chia tài sản chung ngoài Tòa án hoặc thông qua Tòa án để giải quyết. Trường hợp vợ chồng bạn tự thỏa thuận thì phải lập thành văn bản có công chứng theo quy định. Trường hợp yêu cầu Tòa giải quyết, sẽ dựa trên nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (Điều 59 Luật HN&GĐ). Tuy nhiên, khi yêu cầu tòa giải quyết chia tài sản sẽ phải chịu án phí, mức án phí được tính theo giá ngạch.
3. Về con chung:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật HN&GĐ: Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Trong trường hợp này, nếu 2 vợ chồng bạn không thể thỏa thuận được quyền nuôi con thì về nguyên tắc bạn sẽ là người được Tòa án quyết định giao quyền nuôi con dưới 3 tuổi, trừ trường hợp không đủ điều kiện theo quy định trên.
Hy vọng với những giải đáp của chúng tôi nêu trên, bạn có thể giải quyết ổn thỏa được mối quan hệ hôn nhân của mình. Trường hợp cần thắc mắc, làm rõ thêm các vấn đề liên quan, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại của VPLS Huỳnh Nam: 04.22190099 và/hoặc địa chỉ e-mail: [email protected] để được giải đáp và giúp đỡ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *