Luật sư với nghĩa vụ và giới hạn bảo mật thông tin của khách hàng trong vụ án hình sự – các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam

Luật sư với nghĩa vụ và giới hạn bảo mật thông tin của khách hàng trong vụ án hình sự- các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam

Ths. Luật sư Huỳnh Phương Nam

“Bảo mật thông tin” của khách hàng đối với Luật sư phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng để bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng. Đây là nguyên tắc chung về hành nghề luật sư- không chỉ ở Việt Nam mà của hầu như các nước có nền tư pháp lâu đời và tiến bộ trên thế giới.

1- Nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng:       

Tại Hội nghị lần thứ Tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên hợp quốc, họp tại Havana, Cuba từ ngày 27/8 đến 07/9/1990, các nước tham dự đã ra Tuyên bố Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers) [1], nêu rõ “v các nhiệm vụ và trách nhiệm, Luật sư luôn luôn trung thành tôn trọng lợi ích của khách hàng của mình (điểm 15);đồng thời, Các Chính phủ thừa nhận và tôn trọng rằng tất cả sự giao tiếp và tư vấn giữa luật sư và thân chủ của họ trong mối quan hệ nghề nghiệp là bí mật (điểm 22).

Cũng theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đều đề ra nguyên tắc luật sư phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng:

Quy tắc đạo đức của Luật sư Croatia (The Attorneys’ Code of Ethics) [2] được Hội đồng Hiệp hội Luật sư Croatia thông qua ngày 18/2/1995, sửa đổi ngày 12/6/1999, quy định: “Luật sư phải bảo vệ bí mật đối với bất kỳ thông tin nào biết được từ khách hàng hoặc trong khi thực hiện hỗ trợ pháp lý, đặc biệt trong quá trình đại diện hoặc biện hộ. Luật sư phải xác định một cách tận tâm những gì khách hàng muốn được bảo vệ như là bí mật của luật sư.” (Quy tắc 26 – Mục II – Bảo mật của Luật sư – The Attorney’s confidentiality).

Quy tắc ứng xử của Luật sư Châu Âu (Code of Conduct for Lawyers in the European Union) [3]thông qua ngày 28/10/1988, sửa đổi ngày 28/11/1998, ngày 06/12/2002 và ngày 19/5/2006, tại khoản 2.3 quy định về “Bảo mật”(Confidentiality) thì:

+ Bảo mật là một chức năng của Luật sư và được Nhà nước bảo hộ đặc biệt;

+ Luật sư phải tôn trọng bảo mật tất cả các thông tin mà mình biết được trong hoạt động hành nghề;

+ Nghĩa vụ bảo mật thì không giới hạn thời gian;

+ Nghĩa vụ bảo mật còn được ràng buộc đối với cả những người cộng sự hoặc nhân viên của luật sư khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, luật sư cũng phải yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ này.

Trên cơ sở Quy tắc mẫu về ứng xử nghề nghiệp Luật sư của Hiệp Hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA Model Rules of Professional Conduct), Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư California 2018(California rules of professional conduct) [4] cũng quy định tại Chương 1, Quy tắc 1.6 – Bí mật thông tin của khách hàng (Confidential Information of a Client):

(a) Không được tiết lộ thông tin được bảo vệ khỏi việc tiết lộ theo điểm 6068, phần (e) (1) Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp [4a] trừ khi được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định tại mục (b) dưới đây.

 (b) Có thể, nhưng không bắt buộc, tiết lộ thông tin được bảo vệ khỏi việc tiết lộ theo điểm 6068, phần (e) (1) Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp trong chừng mực mà luật sư đó có lý do tin rằng việc tiết lộ là cần thiết để ngăn chặn hành vi phạm tội mà luật sư đó có lý do tin tưởng có thể dẫn đến tử vong, hoặc tổn hại cơ thể đáng kể đối với một cá nhân theo mục (c).

(c) Trước khi tiết lộ thông tin được bảo vệ khỏi việc tiết lộ theo điểm 6068, phần (e) (1) Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp để ngăn ngừa một hành vi phạm tội như quy định tại khoản (b), nếu hợp lý trong các trường hợp, phải:

+ (1) cố gắng thuyết phục khách hàng một cách trung thực: (i) không cam kết hoặc tiếp tục hành vi phạm tội hoặc (ii) theo đuổi quá trình ngăn ngừa cái chết đe doạ hoặc tổn hại cơ thể đáng kể; hoặc làm cả (i) và (ii); và

+ (2) thông báo cho khách hàng, vào thời điểm thích hợp, về khả năng hoặc quyết định của luật sư để tiết lộ thông tin được bảo vệ khỏi việc tiết lộ theo điểm 6068, phần (e) (1) Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp theo quy định tại khoản (b).

(d) Khi tiết lộ thông tin được bảo vệ khỏi việc tiết lộ theo điểm 6068, phần (e) (1) Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp như được quy định trong đoạn (b), việc tiết lộ của luật sưkhông được quá mức cần thiết để ngăn chặn.

Tương tự như vậy, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Bang New York 2009, sửa đổi vào 24/6/2020, 30/10/2021 (New York Rules of Professional Conduct) [5] – Quy tắc 1.6 – Bảo mật thông tin (Confidentiality of Information) cũng quy định luật sư không được tiết lộ thông tin bí mật, hoặc sử dụng các thông tin đó gây bất lợi cho khách hàng hoặc cho lợi thế của luật sư hoặc người thứ ba, trừ khi được khách hàng cho phép hoặc để phục vụ tốt nhất lợi ích của khách hàng, hoặc trong các trường hợp khác trong phạm vi Luật sư tin rằng hợp lý là cần thiết, ví dụ như để bảo vệ sức khỏe, tính mạng; để ngăn chặn khách hàng phạm tội; để bảo vệ luật sư và nhân viên trước những cáo buộc sai trái, …

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp do Hiệp Hội Luật sư Canada ban hành năm 2009 (Code of Professional Conduct – Canadian Bar Association) [6] cũng quy định: Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả các thông tin liên quan đến kinh doanh và công việc của khách hàng mà mình biết được trong quá trình quan hệ nghề nghiệp và không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào, ngoại trừ được khách hàng rõ ràng hoặc ngụ ý cho phép, theo yêu cầu luật pháp hoặc yêu cầu khác của Quy tắc này. (Quy tắc 1 Chương IV về Bảo mật thông tin – Confidential information).

Hầu hết các sự giải thích cho các nguyên tắc “Bí mật khách hàng” nêu trên đều xuất phát từ chức năng và bổn phận của Luật sư. Các nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng của luật sư áp dụng cho các thông tin liên quan đến việc đại diện, bất kể nguồn của nó từ đâu, trên cơ sở sự tin tưởng của khách hàng đối với Luật sư và được bảo vệ bởi được bảo vệ bởi “Đặc quyền của luật sư – khách hàng” theo các tiêu chuẩn về đạo đức về bảo mật, được xác lập theo luật, quy tắc và chính sách.

Ở Việt Nam, pháp luật về hành nghề luật sư và tố tụng liên quan đến sự tham gia của Luật sư đều quy định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng, cụ thể như:

Khoản 3 Điều 18 Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987 quy định Luật sư có nghĩa vụ: Không được tiết lộ những bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ giúp đỡ pháp lý.

Khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định cấm luật sư: “Tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, pháp luật có quy định khác”.

Trên cơ sở đó, Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, Quy tắc 9 quy định:

1. Luật sư không tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng khi không được khách hàng đồng ý.

Luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên của mình cũng không tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng của mình.

Kế thừa các quy định này, Khoản 1 Điều 9, Điều 25 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) cũng quy định Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.

Trên cơ sở đó, Quy tắc 12 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành ngày 20/7/2011, được thay thế bằng Bộ Quy tắc ban hành ngày 13/12/2019 – Điều 7, cũng quy định: Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định Người bào chữa có nghĩa vụ: Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản.

Các quy định về nguyên tắc giữ bí mật thông tin khách hàng của Luật sư nêu trên cũng phù hợp với nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp của Luật sư trên thế giới.

  1. Quyền miễn trừ của luật sư đối với việc bảo mật thông tin của khách hàng:

Một trong các lý do mà Người bào chữa – Luật sư không được tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng (đặc biệt là việc không tố giác khách hàng) chính là xuất phát từ các quy tắc, chuẩn mực về ứng xử và đạo đức nghề nghiệp là phải luôn giữ bí mật thông tin của khách hàng nêu trên. Từ nguyên tắc bảo đảm bí mật thông tin của khách hàng và tránh xung đột pháp luật, Tuyên bố Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư của Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội năm 1990 [1] nêu rõ:

– Các chính phủ phải bảo đảm rằng luật sư sẽ không phải chịu, hay bị đe doạ, truy tố, hay những trừng phạt hành chính, kinh tế hay những biện pháp trừng phạt khác vì bất kỳ hành động nào thể theo nhiệm vụ, tiêu chuẩn và quy tắc đạo đức nghề nghiệp được công nhận. (Mục c Điểm 16)

– Luật sư sẽ không bị đồng hóa với thân chủ hay các nguyên nhân của họ chỉ vì luật sư thực hiện chức năng của mình. (Điểm 18)

– Luật sư được hưởng miễn trừ dân sự và hình sự với những lời lẽ liên quan trong khi xuất hiện trước Toà, Hội đồng xét xử, hoặc cơ quan hành chính hay pháp luật khác. (Điểm 20)

Đây có thể được coi là quyền miễn trừ của luật sư trong việc tôn trọng thực hiện nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, quyền miễn trừ này không phải là không có giới hạn để luật sư có quyền lựa chọn hoặc buộc phải lựa chọn trước những lợi ích khác lớn hơn của quốc gia, của cộng đồng hay để bảo vệ chính lợi ích của luật sư khi có xung đột, tranh chấp với chính khách hàng đó.

Điều này được thể hiện tại Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư California 2018(California rules of professional conduct) [4] đã nêu ở trên, Quy tắc 16 (b), luật sư có thể, nhưng không bắt buộc, tiết lộ thông tin trong chừng mực mà luật sư có lý do tin rằng việc tiết lộ là cần thiết để ngăn chặn hành vi phạm tội có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn hại cơ thể đáng kể đối với một cá nhân.

Hoặc trong Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Bang New York (New York Rules of Professional Conduct) [5] – Quy tắc 1.6 (đã viện dẫn ở trên) cũng thể hiện luật sư không bị cấm tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng trong phạm vi luật sư tin rằng hợp lý là cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng hay để ngăn chặn khách hàng phạm tội hoặc để bảo vệ luật sư và nhân viên trước những cáo buộc sai trái.

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp luật sư do Đoàn luật sư Quebec- Canada (Code of Professional Conduct of Lawyers) [7] ban hành cũng quy định: Luật sư chỉ có thể tiết lộ bí mật thông tin khách hàng trong một số trường hợp khi có sự cho phép hoặc ngụ ý rõ ràng của khách hàng; để tự bảo vệ mình trong trường hợp tố tụng, khiếu nại hoặc cáo buộc; để ngăn chặn hành động bạo lực, kể cả tự sát, nơi luật sư có lý do hợp lý để tin rằng có một mối nguy hiểm sắp xảy ra về cái chết hoặc thương tích nghiêm trọng đối với một người hoặc cộng đồng… (Quy tắc 65)

Pháp luật Việt Nam, khoản 3 Điều 19 Trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng quy định:

“Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”

Đây cũng có thể được hiểu như là quyền miễn trừ của Người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm là chính người mà mình bào chữa trong một giới hạn của luật định. Như vậy, trong pháp luật hình sự, Người bào chữa (thường là luật sư), do đặc thù nghề nghiệp luôn được biết, tiếp cận hay nắm giữ các thông tin bí mật, quan trọng của khách hàng trong quá trình tiếp xúc, trao đổi và tham gia giải quyết công việc của họ, nếu thông tin được coi là bí mật này bị tiết lộ thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hay tài sản của khách hàng, đặc biệt là có thể gây bất lợi về trách nhiệm pháp lý của họ trong vụ án hình sự mà họ có liên quan. Chính vì vậy, để tránh sự mâu thuẫn với các quy định về nghĩa vụ bảo mật của luật sư trong mối quan hệ với khách hàng mà pháp luật hình sự cho Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tiết lộ các thông tin này- không tố giác khách hàng với cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, trước nhiệm vụ bảo vệ những lợi ích lớn hơn của quốc gia mà đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác mà Người bào chữa (luật sư) biết được mà không tố giác thì cũng sẽ không được miễn trừ trách nhiệm. Đây là ranh giới của nghĩa vụ bảo mật – quyền miễn trừ trách nhiệm mà luật sư phải luôn quan tâm, cẩn trọng và xác định rõ khi tham gia tư vấn hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.

—-

Tài liệu tham khảo:

* Một số trích dẫn hoặc diễn giải được tác giả tạm dịch từ các quy định liên quan trên thế giới theo các nguồn dưới đây:

[1]- https://www.un.org/ruleoflaw/blog/document/basic-principles-on-the-role-of-lawyers/

– “15- Lawyers shall always loyally respect the interests of their clients.)

– “22- Governments shall recognize and respect that all communications and consultations between lawyers and their clients within their professional relationship are confidential.

16. Governments shall ensure that lawyers … (c) shall not suffer, or be threatened with, prosecution or administrative, economic or other sanctions for any action taken in accordance with recognized professional duties, standards and ethics.”

18. Lawyers shall not be identified with their clients or their clients’ causes as a result of discharging their functions.

20. Lawyers shall enjoy civil and penal immunity for relevant statements made in good faith in written or oral pleadings or in their professional appearances before a court, tribunal or other legal or administrative authority.

[2]- http://www.ccbe.eu/fileadmin/speciality_distribution/public/documents/National_Regulations/DEON_National_CoC/EN_Croatia_The_Attorneys_Code_of_Ethics.pdf

– “26. An attorney shall preserve the confidentiality of any information acquired from a client or otherwise while rendering legal assistance, particularly during representation or defense. An attorney must conscientiously determine alone what the client wants to be preserved as the attorney’s secret.”

[3]- http://www.ccbe.eu/NTCdocument/EN_CCBE_CoCpdf1_1382973057.pdf

Code of Conduct for Lawyers in the European Union- Confidentiality- 2.3:

“It is of the essence of a lawyer’s function”; “It is therefore entitled to special protection by the State”

– “A lawyer shall respect the confidentiality of all information that becomes known to the lawyer in the course of his or her professional activity.”

The obligation of confidentiality is not limited in time.”

– “A lawyer shall require his or her associates and staff and anyone engaged by him or her in the course of providing professional services to observe the same obligation of confidentiality.”

[4]-https://www.calbar.ca.gov/Attorneys/Conduct-Discipline/Rules/Rules-of-Professional-Conduct/Current-Rules

 California rules of professional conduct- Confidential Information of a Client- Rule 16:

“A lawyer shall not reveal information protected from disclosure by Business and Professions Code section 6068, subdivision (e)(1) unless the client gives informed consent,* or the disclosure is permitted by paragraph (b) of this rule.”        

-[4a] https://leginfo.legislature.ca.gov/faces/codes_displaySection.xhtml?sectionNum=6068.&lawCode=BPC

California Business and Professions Code Section 6068 (e)(1):

“To maintain inviolate the confidence, and at every peril to himself or herself to preserve the secrets, of his or her client.”

[5]- https://www.nycourts.gov/ad3/AGC/Forms/Rules/Rules%20of%20Professional%20Conduct%2022NYCRR%20Part%201200.pdf

New York Rules of Professional Conduct- Confidentiality of Information- Rule 1.6

[6]-http://www.cba.org/Publications-Resources/Practice-Tools/Ethics-and-Professional-Responsibility-(1)/Codes-of-Professional-Conduct

Canadian Bar Association- Code of Professional Conduct – Confidential information- Chapter IV- Rule 1:

The lawyer has a duty to hold in strict confidence all information concerning the business and affairs of the client acquired in the course of the professional relationship, and shall not divulge any such information except as expressly or impliedly authorized by the client, required by law or otherwise required by this Cod.

[7]- http://legisquebec.gouv.qc.ca/en/ShowDoc/cr/B-1,%20r.%203.1

Quebec Bar Association- Code of Professional Conduct of Lawyers- Division III- Duty of confidentiality- Rule 65:

A lawyer may communicate confidential information in the following situations:

(1)  with the express or implied authorization of the client;

(2)  if an express legal provision orders or authorizes him to do so;

(3)  in order to collect his unpaid fees before a tribunal;

(4)  in order to defend himself in the event of proceedings, complaints or allegations calling his professional competence or conduct into question; or

(5)  to identify and resolve conflicts of interest arising from a change of firm by a lawyer or from changes to the composition or ownership of a firm, but only if the information necessary for this purpose, namely, the names of current and former clients and the summary nature of the mandates entrusted by such clients, will not jeopardize professional secrecy or if doing so will not result in prejudice to such clients;

(6)  in order to prevent an act of violence, including a suicide, where the lawyer has reasonable cause to believe that there is an imminent danger of death or serious bodily injury to a person or an identifiable group of persons.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *