UBND HUYỆN CAO LỘC- LẠNG SƠN: CÓ CƯỠNG CHẾ SAI PHÁP LUẬT?

BẠN ĐỌC
Thứ năm, 24/10/2013 – 19:55
UBND HUYỆN CAO LỘC- LẠNG SƠN: CÓ CƯỠNG CHẾ SAI PHÁP LUẬT?
http://www.camnangdoanhnghiep.com.vn/…/UBND-huyẹn-Cao-Lọc-–…

Trong đơn khiếu nại, kêu cứu gửi Huyện ủy, UBND huyện Cao Lộc cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, ông Âu Viết Tấn (sinh năm 1963, dân tộc: Nùng, trú tại: thôn Nà Pàn – xã Bảo Lâm – huyện Cao Lộc – Lạng Sơn) cho biết, do gia đình, dòng tộc sinh sống lâu đời tại Cao Lộc nên gia đình ông có khá nhiều đất đồi để trồng cây. Khi thực hiện xây dựng đường vào cửa khẩu Hữu Nghị, cuối năm 2011, gia đình ông bị thu hồi hơn 19.000m2 đất đồi nhưng không được phổ biến là dùng vào những hạng mục gì. Quá trình bồi thường, thấy chưa thỏa đáng, gia đình có đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại song đến nay chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại nên gia đình chưa nhận tiền đền bù.

Bất ngờ, ngày 10/10/2013, gia đình ông Tấn nhận được Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 07/10/2013 “V/v Cưỡng chế thực hiện Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của UBND huyện Cao Lộc về việc thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Âu Việt Tấn trú tại thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc”. Cùng ngày, gia đình cũng nhận được thông báo số 177/TB-UBND “V/v tổ chức cưỡng chế thu hồi đất”. Theo đó, vào 8h ngày 25/10/2013, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định số 1735/QĐ-UBND nếu trong vòng 15 ngày kể từ ngày 10/10/2013 đến ngày 25/10/2013 gia đình ông Tấn không tự giác thực hiện Quyết định 1735/QĐ-UBND.
Nội dung của Quyết định 1735/QĐ-UBND nêu: UBND huyện Cao Lộc quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Âu Viết Tấn, căn cứ theo đề nghị của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, với biện pháp cưỡng chế là: “chặt cây cối, hoa màu của hộ ông Âu Việt Tấn và di chuyển ra khỏi phạm vi diện tích đất Nhà nước thu hồi”. Giao cho “Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện, Chánh Thanh tra huyện, Công an huyện, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyên, … Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng” có trách nhiệm thi hành. Chữ ký của Chủ tịch UBND huyện là chữ ký phô tô đóng dấu đỏ.

Nhận xét về Quyết định này, Luật sư Lê Thị Oanh – Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Quyết định cưỡng chế này sai nghiêm trọng so với các quy định pháp luật. Thể hiện 08 điểm sai phạm sau:
Thứ nhất: Sai về Chủ thể ban hành.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính cùng Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì Chủ thể ban hành Quyết định cưỡng chế phải là cá nhân Chủ tịch UBND. Điều này cũng được hướng dẫn rất rõ tại mẫu số 06 về Quyết đinh cưỡng chế ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP. Thế nhưng, tại Quyết định 1735/QĐ-UBND lại không phải là cá nhân Chủ tịch UBND huyện ban hành mà là UBND huyện do Chủ tịch UBND huyện thay mặt. Như vậy là không đúng pháp luật.
Thứ hai: Sai về mặt hình thức.
Từ việc xác định sai về Chủ thể ban hành Quyết định, nên Quyết định 1735/QĐ-UBND cũng không ghi là Quyết định của Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện Quyết định mà ghi là UBND huyện Quyết định, và phần chữ ký ghi là TM. UBND huyện, Chủ tịch ký tên. Không những vậy, tiêu đề đáng nhẽ phải gi là QĐ-CT thì Quyết định 1735 lại ghi là QĐ-UBND nên sai về mặt thể thức văn bản.
Thứ ba: Sai về nội dung quyết định
Theo tất cả các văn bản pháp luật, từ Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không có bất cứ một Quyết định nào là “Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chi tiết” cả mà chỉ có Quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính. Quyết định 1735/QĐ_UBND cưỡng chế thực hiện Quyết định thu hồi đất chi tiết là sai về mặt đối tượng cưỡng chế thi hành
Thứ tư: Sai về biện pháp cưỡng chế
Vì Quyết định 1735/QĐ-UBND chỉ yêu cầu cưỡng chế “chặt cây cối, hoa màu của hộ ông Âu Việt Tấn và di chuyển ra khỏi phạm vi diện tích đất Nhà nước thu hồi”, như vậy là chỉ cưỡng chế di chuyển cây cối – tài sản – là một phần trong quyết định thu hồi đất (bao gồm đất đai và tài sản) trong khi Quyết định 1735/QĐ-UBND lại ghi cưỡng chế thu hồi cả Quyết định thu hồi đất số 120/QĐ-UBND là quyết định thu hồi đất chi tiết có cả đất đai và tài sản là sai.
Thứ năm: Sai về chủ thể thực hiện quyết định.
Theo quy định tại điều 88 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế phải là người ban hành quyết định này – tức là phải là Chủ tịch UBND huyện chứ không phải là “Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện, Chánh Thanh tra huyện, Công an huyện, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyên, … Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng” được. Nhất là việc đưa quân đội vào việc thực hiện cưỡng chế hành chính là hành vi lạm quyền.
Thứ sáu: Sai về mặt căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế.
Theo quy định mà tôi vừa viện dẫn trên thì căn cứ ban hành Quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính phải là có hành vi vi phạm hành chính và Quyết định hành chính cùng các văn bản hướng dẫn về vi phạm hành chính và cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Thế nhưng, theo như ông Tấn cho biết khi giao quyết định thu hồi đất họ chưa bao giờ thấy UBND huyện Cao Lộc ấn định thời gian gia đình phải giao đất cho cơ quan chức năng, cũng chưa bao giờ nhận được một Biên bản vi phạm hành chính, cũng như quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào, và trong Quyết định 1735/QĐ-UBND cũng không có căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính và Quyết định xử lý vi phạm hành chính mà căn cứ vào đề nghị của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Cao Lộc là sai quy định
Thứ bảy: Sai vì không có căn cứ là ý kiến của gia đình bị cưỡng chế trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Theo Điều 17 Nghị định 81/2013/NĐ-CP “Hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính” thì gia đình ông Tấn phải được thông báo về việc vi phạm hành chính và có ý kiến về việc này. Nhưng đến tận ngày hôm nay, gia đình ông Tấn vẫn chưa được thông báo về việc này để có ý kiến mà đã quyết định cưỡng chế là sai.
Thứ tám: Sai về chữ ký của Chủ thể ký văn bản.
Theo quy định tại Nghị định 110/2004/NĐ-CP và Nghị định 09/2010/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 110/2004/NĐ-CP về Công tác Văn thư thì Chữ ký trên quyết định hành chính của người có thẩm quyền phải là chữ ký tươi chứ không được dùng chữ ký điện tử, chữ ký dấu mực, chữ ký phô tô rồi đóng dấu cơ quan chức năng. Như vậy là không có giá trị pháp lý.
Quyết định 1735/QĐ-UBND chữ ký của Chủ tịch UBND huyện là chữ ký photo thì có khả năng Quyết định này là không có thật mà có thể do cấp dưới của Chủ tịch UBND huyện tự ban hành để cố ý lấy danh nghĩa Chủ tịch UBND huyện làm sai pháp luật chăng?
Ông Âu Viết Tấn bức xúc nói, gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng, nhiều người nhà là thương binh, liệt sỹ, thế mà bây giờ chính quyền dùng cả quân đội để định cưỡng chế gia đình thì quả là đã vi phạm quyền dân chủ của công dân; cũng như không đảm bảo được bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân, chiến đấu với quân thù chứ không thể là chiến đấu với nhân dân được. Do đó, Quyết định này vừa vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vừa vi phạm bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tôi rất mong Chủ tịch UBND huyện sớm nhận ra sai sót trong việc ban hành quyết định này để có biện pháp hủy bỏ nó đi./.

Duy Thưởng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *