VỢ HOẶC CHỒNG KHÔNG CẤP DƯỠNG CHO CON SAU KHI LY HÔN THÌ SẼ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có trách nhiệm cấp dưỡng cho con cái. Căn cứ theo Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nghĩa vụ này là trách nhiệm pháp lý bắt buộc của cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con, nhằm đảm bảo cho con có cuộc sống đầy đủ và phát triển bình thường.

Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2.Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

Nếu một trong hai bên không thực hiện nghĩa vụ này, thì có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?

Chia sẻ tóm tắt một vụ việc để trả lời cho câu hỏi trên như sau: Sau khi ly hôn, ông A không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y. Bà B (vợ cũ) đã khởi kiện yêu cầu ông A thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tòa án đã buộc ông A phải trả tiền cấp dưỡng cho con hàng tháng và ông A bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi trốn tránh nghĩa vụ.

Việc vợ hoặc chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự phát triển của đứa trẻ mà còn gây ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng. Bởi vậy sau khi ly hôn mà vợ hoặc chồng không thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng, người kia có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp để buộc bên vi phạm phải cấp dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.…”

Hành vi không cấp dưỡng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:….

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu hành vi từ chối cấp dưỡng kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

“Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ gây thiệt thòi về quyền lợi vật chất cho con, mà còn vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội và nguyên tắc bảo vệ quyền lợi trẻ em. Pháp luật Việt Nam luôn ưu tiên quyền lợi tốt nhất cho trẻ em, do do không chỉ bảo vệ quyền lợi của trẻ em mà còn răn đe hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng, nhằm đảm bảo quyền phát triển và đời sống của trẻ sau khi cha mẹ ly hôn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *