NỢ ĐƯỢC XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO KHI CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN?

Câu hỏi:
Công ty TNHH thiết bị điện H hiện có tài sản bằng số nợ phải trả. Hội đồng thành viên Công ty thỏa thuận giao lại toàn bộ số tài sản trên cho cán bộ, nhân viên của Công ty để chuyển đổi thành Công ty cổ phần H của tập thể cán bộ, nhân viên. Công ty mới (Công ty cổ phần) có trách nhiệm phải trả nợ thay công ty cũ (Công ty TNHH).
Chúng tôi xin hỏi như sau:
1. Việc chuyển giao tài sản này có cần thiết phải định giá tài sản không?
2. Trường hợp công ty mới (công ty cổ phần) bị kiện hoặc phá sản, giá trị tài sản của công ty nhỏ hơn số nợ phải trả thì các cổ đông có phải bỏ tiền ra để trả phần chênh lệch tài sản và công nợ đó hay không?
Trả lời:
1. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, Công ty TNHH thiết bị điện H có quyền được chuyển đổi thành công ty cổ phần sau khi đã tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Về quá trình tiến hành các thủ tục chuyển giao tài sản của Công ty TNHH H cho các thành viên mới và tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần, các quy định của Luật Doanh nghiệp đều thể hiện trong hồ sơ đăng kí kinh doanh phải ghi rõ: “Phần vốn góp, giá trị vốn góp, loại tài sản, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn phần vốn góp của từng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; số lượng cổ phần, loại cổ phần, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn cổ phần của từng cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần” (Khoản 4, Điều 26 Luật doanh nghiệp 2014).
Do vậy, trong trường hợp này, việc xác định giá trị tài sản còn lại của Công ty TNHH H là bắt buộc để đảm bảo tính chính xác khi doanh nghiệp tiến hành các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh liên quan đến phần vốn góp hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
2. Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 110 Luật doanh nghiệp: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”.
Nếu tài sản của công ty được chuyển giao cho cán bộ, nhân viên công ty để họ trở thành chủ sở hữu của công ty và chuyển đổi thành công ty cổ phần thì tài sản đó trở thành phần vốn góp của họ theo sự thỏa thuận với công ty cũ. Theo quy định trên, nếu công ty cổ phần H bị kiện đòi nợ hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trên phần vốn góp của mình (đã được công ty cũ giao lại), mà không phải bỏ thêm tiền để trả cho phần chênh lệch giữa công nợ với giá trị tài sản thực có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *