MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BÀO CHỮA CHO NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN, BỊ CÁO ĐANG BỊ TẠM GIAM THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
Thứ ba, 10 Tháng 7 2012
http://liendoanluatsu.org.vn/index.php…
Quyền bào chữa không phải là vấn đề mới mẻ trong pháp luật hình sự Việt nam. Có nhiều quan điểm về ý nghĩa của quyền bào chữa trong tố tụng hình sự nói chung và quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam nói riêng nhưng suy cho cùng, đó chính là yêu cầu đảm bảo khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà đặc biệt là quyền được bào chữa của họ luôn là vấn đề cần được nghiên cứu và hoàn thiện đối với pháp luật, không chỉ trong phạm vi Bộ luật tố tụng hình sự mà cần có sự hoàn thiện, đồng bộ trong tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền bào chữa của những đối tượng trên.
Quyền được bào chữa của những người tham gia tố tụng nêu trên được biểu hiện thông qua việc họ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa cho mình trong các giai đoạn tố tụng. Bộ luật tố tụng hình sự 2003 cũng đã có các quy định về quyền này của người bị tạm giữ (điểm d Điều 48), bị can (điểm e Điều 49), bị cáo (điểm e Điều 50) cũng như các quy định liên quan đến người bào chữa của họ (Điều 56, 57, 58). Thực chất, các vấn đề về quyền được bào chữa được thể hiện chính ở các quy định về người bào chữa.
Bảo chữa là một công việc mang tính chuyên môn, đòi hỏi rất nhiều về trình độ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm… của người bào chữa. Pháp luật không quy định bắt buộc chỉ có luật sư mới được quyền trở thành người bào chữa, song rõ ràng cả về mặt lý luận và thực tế đều cho thấy, luật sư là đối tượng đáp ứng cao nhất và đầy đủ nhất những điều kiện để thực hiện tốt và hiệu quả nhất việc bào chữa, từ đó mang lại lợi ích cao nhất cho người được bào chữa. Để ngày càng đưa việc bào chữa mang lại những hiệu quả tốt nhất, đảm bảo quyền bào chữa của người được bào chữa không chỉ được đáp ứng tốt về mặt hình thức mà còn phải đáp ứng về mặt chất lượng, pháp luật cần có những chỉnh sửa, điều chỉnh nhất định.
Các quy định về người có quyền tham gia bào chữa:
Tại Khoản 1 Điều 56 BLTTHS, người bào chữa được quy định bao gồm 3 đối tượng: Luật sư (điểm a), Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm b) và bào chữa viên nhân dân (điểm c). Tuy nhiên, trong thực tế những người tham gia bào chữa thường gặp là Luật sư và Luật gia, không có người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong các đối tượng trên, Luật sư là người được tham gia bào chữa với tư cách là một nghề nghiệp chuyên môn và đã có Luật Luật sư điều chỉnh. Còn bào chữa viên nhân dân là ai thì không có quy định cụ thể.
Tại Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an, Khoản 1 Điều 6 quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với bào chữa viên nhân dân có yêu cầu họ phải có giấy tờ chứng minh là thành viên của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử đến; Giấy giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị giam giữ, bị can là thành viên. Theo đó, có thể hiểu Thông tư này mặc nhiên coi bào chữa viên nhân dân chính là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt nam. Trong thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng mặc nhiên thừa nhận sự tham gia của Luật gia vì cho rằng họ được Hội luật gia (thành viên Mặt trận Tổ quốc theo Khoản 2 Điều 57 BLTTHS) cử để tham gia tố tụng. Thế nhưng, việc quy định áp dụng như vậy không có cơ sở vì Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể thế nào là bào chữa viên nhân dân và việc chấp nhận cho những người này tham gia tố tụng hoàn toàn theo nhận thức chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng cần bỏ chế định bào chữa viên nhân dân vì họ không mang tính chuyên nghiệp, không có quy định rõ ràng, trong khi nếu là “luật gia” thì gồm những người ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, có cả người trong cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi đồng ý với quan điểm này.
Đối với người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể là những người nào nhưng theo quy định của Bộ luật dân sự thì chỉ có người chưa thành niên, người suy nhược về thể chất và tinh thần thì mới có người đại diện hợp pháp đương nhiên (nếu không, phải có ủy quyền hợp pháp). Thế nhưng, có lẽ rất hiếm hoặc có thể nói là chưa có trường hợp nào cha, mẹ của người chưa thành niên, hay người giám hộ của người bị bệnh tâm thần… được tham gia bào chữa, đặc biệt từ giai đoạn điều tra bởi lẽ họ sẽ vừa mang tư cách của người đại diện, người giám hộ, vừa mang tư cách của người bào chữa. Và liệu họ có thể được đọc hồ sơ vụ án, gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam… như một luật sư bào chữa hay không? Việc quy định cho đối tượng người đại điện hợp pháp này tham gia bào chữa chỉ mang tính hình thức và không khả thi.
Về quyền mời người bào chữa:
Ngoài những trường hợp phải có người bào chữa bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 BLTTHS thì việc lựa chọn và thay đổi người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ quyết định (Khoản 1 Điều 57 BLTTHS).
Điều 4 Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an quy định: Khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can cho bị can, Điều tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo Quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự và phải lập biên bản giao nhận Quyết định ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không; trường hợp người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản.
Tuy nhiên, đối với người bị tạm giữ, tạm giam thì họ là người đang bị hạn chế một số quyền tự do nhất định, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Do vậy, không phải lúc nào họ cũng tự mình quyết định việc có mời luật sư hay không, hoặc mời luật sư nào, ở đâu vì họ không có điều kiện tìm hiểu về năng lực, trình độ luật sư, cũng như trao đổi về tình trạng pháp lý của mình để luật sư cho ý kiến, kể cả thỏa thuận về mức thù lao bào chữa… Bên cạnh đó, không loại trừ một số trường hợp họ bị áp lực tâm lý, không thể hoặc không dám đưa ra quyết định yêu cầu có người bào chữa cho mình mà ký vào biên bản không cần người bào chữa. Và như vậy, trong suốt quá trình điều tra, ĐTV không cần phải hỏi lại họ điều này nữa. Nếu họ không thuộc các đối tượng có người đại diện hợp pháp nêu trên thì không thể có luật sư nào có thể tham gia bào chữa cho họ.
Một thực tế mà các luật sư khi tham gia tố tụng thường gặp là phần nhiều các vụ án được mời tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra đều bị bị can từ chối luật sư, trong khi đó, đến giai đoạn truy tố, xét xử lại không gặp trường hợp này. Sau này, khi tiếp xúc với luật sư, bị can, bị cáo đó giải thích lý do từ chối là do bị Điều tra viên dọa nếu mời luật sư thì “chỉ có nặng hơn”, hoặc có nhiều hình thức khác o ép về tinh thần để bị can không dám mời luật sư mà phải ký vào bản cung là “không cần có luật sư”, “tự bào chữa được”… Tất nhiên, những lời giải thích này thường không thể có bằng chứng để chứng minh. Và những lời khai nhận tội của họ trong quá trình điều tra không có sự chứng kiến của luật sư sẽ là bằng chứng chống lại họ trong các giai đoạn tố tụng sau này. Tại phiên tòa, nếu bị cáo khai rằng họ bị ép cung, nhục hình nhưng không thể đưa ra được bằng chứng để chứng minh… thì Tòa án cũng không có cơ sở để xem xét.
Mặt khác, ngoài việc quy định bị can tự lựa chọn người bào chữa, việc quy định quyền mời người bào chữa do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện cũng nảy sinh nhiều bất cập bởi chỉ một số trường hợp mới có những người đại diện này (đã nêu ở trên), còn đa phần các bị can, bị cáo đã thành niên, thể chất tâm thần bình thường thì không thuộc trường hợp có người đại diện, và phải tự mình yêu cầu người bào chữa. Luật không quy định các đối tượng khác có thể mời luật sư cho họ mặc dù việc đó không ảnh hưởng gì đến việc điều tra vụ án. Trong thực tế, một số CQĐT vẫn chấp nhận cho người thân của người bị tạm giữ, bị can mời người bào chữa cho họ, hoặc sẽ hỏi ý kiến của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhưng điều này là do thiện chí của điều tra viên.
Vậy, nếu trường hợp bị can mâu thuẫn với gia đình hoặc vụ án xảy ra trong chính gia đình họ, nếu gia đình, người thân không chịu mời người bào chữa cho họ thì mặc nhiên họ rơi vào tình trạng không có ai mời người bào chữa cho họ dù họ mong muốn điều đó, nhưng bản thân không thực hiện được do đang tạm thời mất tự do. Trong trường hợp này, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người thiệt thòi nhất, có nguy cơ không được thực hiện hoặc không thực hiện được quyền được bào chữa của mình. Việc quy định như hiện hành là chưa đầy đủ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ trong tố tụng hình sự. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng nên quy định bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể mời người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, chỉ cần người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đó chấp nhận. Có như vậy mới đảm bảo quyền được bào chữa của họ một cách tối đa và đây cũng là cách hành xử của một nền pháp luật văn minh, phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, về thủ tục hỏi ý kiến của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cần có sự có mặt của người được mời bào chữa để đảm bảo khách quan, tránh tình trạng như một số bị can, bị cáo đã từ chối luật sư sau này phản ánh rằng đã được Điều tra viên vào “vận động” từ chối.
Quyền bào chữa và quyền được bào chữa nếu được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo cao nhất quyền lợi của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì sẽ càng làm cho hệ thống pháp luật ưu việt hơn, sẽ tránh được những trường hợp án oan, sai mà hiện nay số lượng không nhỏ trong tổng số các vụ án đang được điều tra và xét xử. Vì vậy, thiết nghĩ việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã phân tích nêu trên là hoàn toàn cần thiết.
Luật sư Huỳnh Phương Nam – VPLS Huỳnh Nam – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội