Ô nhiễm Dream Town: Dân đòi bồi thường không dễ

http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/o-nhiem-dream-town-khong-de-ma-doi-boi-thuong-a196513.html

Thứ tư, 19/07/2017 | 16:18 GMT+7

Hành vi ô nhiễm tại khu đô thị Dream Town, Tây Mỗ gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, việc đòi bồi thường ,yêu cầu bồi thường còn rất nhiều khó khăn.

Như đã đưa tin ở những bài phản ánh trước, hai cơ sở sản xuất là Trạm trộn bê tông Vimeco và Công ty sen vòi Viglacera hoạt động ngày đêm, “bức tử” cuộc sống của người dân tại khu đô thị Dream Town, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Khói, bụi, nước thải, tiếng ồn từ 02 nhà máy ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên tới hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân, những người đã phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm từ nhiều năm nay. Được biết, 2 cơ sở này từng bị cơ quan chức năng thanh, kiểm tra cũng như xử phạt hành chính. Hành vi gây ô nhiễm đã rõ, nhưng thủ tục để người dân có thể đòi bồi thường thiệt hại lại khá khó khăn, kéo dài và tốn kém.

Theo quan điểm của Luật sư Hoàng Thu Yến, Văn phòng luật sư Huỳnh Nam và cộng sự, theo quy định thì chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất và cũng là nan giải nhất trong việc yêu cầu bồi thường thiệt là phía người dân khu đô thị phải chứng minh có thiệt hại xảy ra, thiệt hại đó có mối quan hệ như thế nào với hành vi gây ô nhiễm.

 Nguyên nhân của những khó khăn này, thứ nhất là do hậu quả về thiệt hại môi trường thường có tác động ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau, mức độ khác nhau, thời gian khác nhau nên khó xác định được cụ thể hành vi thiệt hại đã gây ra những hậu quả cụ thể với từng người, tài sản như thế nào. Ở đây người dân Dream Town làm sao chứng minh được khói bụi, nước thải, tiếng ồn đã gây hậu quả với từng người như thế nào, với tài sản của họ như thế nào? Chứng cứ cụ thể và thuyết phục? Ví dụ, trong Khu đô thị Dream Town có thể có người bị bệnh về hô hấp, có người bị bệnh về tiêu hóa, có người thiệt hại về tài sản nhưng làm sao chứng minh được những thiệt hại đó có nguyên nhân từ phía nhà máy kia, hậu quả đến đâu, toàn bộ hay một phần, bằng chứng cụ thể thế nào?

Thứ hai là có nhiều chủ thể đồng thời gây ô nhiễm trong cùng khu vực nên tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian trong việc đánh giá hậu quả thiệt hại cụ thể của nó, mức độ gây ra của từng chủ thể, đối tượng nào bị ảnh hưởng và mức độ thiệt hại từng đối tượng là bao nhiêu, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp và các hậu quả phát sinh về sau như thế nào. Cả trạm trộn bê tông Vimeco và Công ty sen vòi Viglacera cùng hoạt động, cùng xả thải gây ô nhiễm. Làm sao để tách bạch được hậu quả nào là do Trạm trộn bê tông gây ra? Hậu quả nào do Công ty sen vòi gây ra để lấy đó làm căn cứ đòi bồi thường.

Thứ ba, trong trường hợp người dân muốn khởi kiện 02 nhà máy trên, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm kể từ thời điểm phát hiện được hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường không đơn giản do không xác định được ngay nguồn hay nguyên nhân gây ô nhiễm, thời gian gây ô nhiễm kéo dài mới bị phát giác, việc xử lý hành vi gây ô nhiễm gặp nhiều khó khăn, chậm trễ và không triệt để dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến việc xác định thời hiệu khởi kiện.

Luật sư cũng cho biết thêm, kể từ ngày 01/01/2008 khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường, đây được hi vọng sẽ là chế tài mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình trạng các công ty, nhà máy gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Các vụ việc về ô nhiễm môi trường ở nước ta không phải là hiếm, có thể thấy rằng người dân, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ hành vi ô nhiễm, họ luôn ở phe yếu thế và bị động. Do đó để đòi lại lợi ích hợp pháp cho người dân, cần có sự vào cuộc từ nhiều phía. Đặc biệt là từ phía các Cơ quan quản lý Nhà nước, cần hành động nhanh chóng hơn nữa , mạnh mẽ hơn nữa mới, thể hiện một cách triệt để và nâng cao vai trò quản lý của mình mới có thể giải quyết tình trạng trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *