Hiện nay, nhiều trường hợp người mất để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau đó, những người thừa kế đã thỏa thuận phân chia di sản thành các phần diện tích đất không đủ điều kiện tối thiểu được tách thửa theo quy định của pháp luật, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vấn đề đặt ra là: Thỏa thuận này có bị coi là thuộc trường hợp “vi phạm điều cấm của luật” và bị tuyên vô hiệu hay không?
Một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội” (Điểm c Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015). Nếu giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật thì sẽ vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Trên thực tế, hiểu như thế nào là “vi phạm điều cấm của luật” vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Việc thỏa thuận phân chia di sản là quyền sử dụng đất đối với các diện tích đất không đủ diện tích tối thiểu được tách thửa có thể bị coi là “vi phạm điều cấm của luật” và bị tuyên bố vô hiệu. Quan điểm này được thể hiện tại Quyết định Giám đốc thẩm số 163/2023/DS-GĐT ngày 10/08/2023 V/v tranh chấp thừa kế của Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Xem tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1278380t1cvn/chi-tiet-ban-an
Nhận định của Tòa án:
“Xét thấy, việc thỏa thuận trên của các đương sự là vi phạm điều cấm của luật. Bởi lẽ, ngoài bà Nguyễn Thị N nhận diện tích 678,6m2 là đủ điều kiện tách thửa, còn diện tích của các kỷ phần còn lại không đủ diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long quy định về hạn mức diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tại Công văn số 3836/STNMT ngày 26/09/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long xác định: “theo quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn hoặc diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì không được cấp giấy chứng nhận”. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung như trên là không đúng, cần thiết phải hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên để giải quyết lại vụ án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy, để thỏa thuận phân chia di sản có hiệu lực, tránh các tranh chấp, rủi ro cho các bên, những người thừa kế cần lưu ý thỏa thuận phân chia di sản thành các phần diện tích đất đủ điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.