Câu hỏi:
“Chào Luật sư!
Tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Ngày 01/02/2021, tôi có ký Hợp đồng vay tài sản với anh B, trong đó có nội dung anh B vay của tôi số tiền là 1.000.000.000 đồng với lãi suất 15%/năm với thời hạn vay là 1 năm. Hết thời hạn vay, anh B chỉ mới trả được cho tôi số tiền lãi là 150.000.000 đồng, còn tiền gốc anh B chưa trả cho tôi. Vì vậy, đến nay tôi muốn yêu cầu anh B trả lại tiền cho tôi nhưng chưa biết ngoài số tiền gốc anh B chưa trả thì tôi còn được yêu cầu anh B trả cho tôi khoản tiền nào nữa?
Rất mong nhận được hồi đáp của Luật sư!”.
Trả lời:
Chào bạn, dựa trên thông tin của bạn cung cấp, VPLS Huỳnh Nam có ý kiến tư vấn sơ bộ như sau:
Khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.“.
Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, quy định:
“Điều 5. Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015
Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01-01-2017 hoặc xác lập trước ngày 01-01-2017 nhưng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng được xác định như sau:
2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).
b) Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc);
c) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).“
Đối với trường hợp của bạn thì anh B (bên vay) đã trả cho bạn số tiền lãi theo thỏa thuận trong Hợp đồng và còn tiền gốc anh B chưa trả.
Theo đó, áp dụng các quy định nêu trên vào trường hợp của bạn thì anh B phải trả bạn tiền lãi trên nợ gốc quả hạn chưa trả bằng 150% của 15% tương ứng với thời gian chậm trả, tức là 22,5% tương ứng với thời gian chậm trả, như sau:
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x 22,5% x (thời gian chậm trả nợ gốc)
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu anh B trả cho bạn số tiền gốc quá hạn chưa trả và tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả như nêu trên.