CHUYỆN MỘT THẦY GIÁO TRƯỢT DỐC VÌ HAM VUI …

CHUYỆN MỘT THẦY GIÁO TRƯỢT DỐC VÌ HAM VUI …
Chủ Nhật, 12/05/2013 11:21
http://phapluatxahoi.vn/…/chuyen-mot-thay-giao-truot-doc-vi…

(PL&XH) – Mơ ước trở thành giáo viên dạy nhạc, Cường đã toại nguyện. Nhưng khi đứng trên bục giảng, say sưa dạy nhạc cho học trò thì thầy giáo này lại bị dằn vặt bởi “cơm áo”.

Nảy lòng tham vì thua “độ”
Phạm Quang Cường, SN 1978, quê Phú Thọ, có vẻ ngoài phong độ và là khách “ruột” nên chị Nguyễn Minh P, nhân viên Cty TNHH A D, trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội, rất tin tưởng. Cường thuê chiếc xe ô tô TOYOTA Innova, trong 7 ngày (từ ngày 5 đến 11-5-2011 với giá 800.000 đồng/ngày), chị P chẳng ngần ngại giao xe và toàn bộ giấy tờ. Khi thuê, Cường đặt CMND, 1 xe máy và nói thuê xe tự lái đi giải quyết công việc ở tỉnh Nghệ An. Nhưng Cường đã không đánh xe đi xứ Nghệ mà ở Hà Nội ăn chơi. Sẵn ý định, sáng 6-5-2011, Cường đem xe đến thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, cắm cho một chủ tiệm cầm đồ lấy 120 triệu đồng. Ông chủ hiệu cầm đồ thấy xe Cường đầy đủ giấy tờ thì tưởng đó là xe của nhà bị cáo. Đến hạn, Cường chưa trả xe lại tắt ĐTDĐ, Cty này đã “vạch mặt” Cường với CQCA. Ngày 12-5-2011, Cường ra đầu thú.

Chiếc xe ô tô được định giá 600 triệu đồng và Cường bị truy tố ở khoản 4 Điều 140 (tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”). Trình bày trước HĐXX của TAND TP Hà Nội ngày 17-2-2013, Cường thừa nhận, vì thua cờ bạc mà bị cáo làm liều. Do Cường đã khắc phục toàn bộ hậu quả, chiếc xe ô tô đã được trao trả lại cho bị hại nên tòa tuyên bị cáo 7 năm tù.

Thầy giáo bỏ nghề giữa chừng!
Gặp lại Cường tại Trại giam Thanh Xuân, nom anh như lột xác thành một con người khác. Bỏ lại bề ngoài bất cần, phạm nhân tỏ ra cởi mở, hay cười. Anh chia sẻ, mình vốn là giáo viên dạy nhạc và trượt dốc chỉ vì ham thói đỏ đen. Giờ mỗi ngày trôi qua, Cường càng thêm nuối tiếc quá khứ. Nhận ra mình sa ngã do ham vui nhưng anh vẫn đổ cho “số”, cái tuổi “Mậu Ngọ” bất kham, ưa bay nhảy nên mới ra nông nỗi.

Cường “khoe”, sinh ra ở “đất hát Xoan” và anh yêu những làn điệu dân ca từ nhỏ. Được trời phú cho khả năng cảm thụ âm nhạc, Cường thi đậu khoa Âm nhạc, ĐH Sư phạm I Hà Nội. Khi ấy, không chỉ Cường mà cả bố mẹ đều rất phấn khởi. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Cường “xung phong” về quê lập nghiệp. Mơ ước của thầy giáo trẻ này là gieo tình yêu âm nhạc và chỉ dạy cho lớp lớp học trò “thấm” được sự mượt mà của điệu hát Xoan. Cường đứng lớp say sưa và anh luôn tự hào về môn học này. Nhìn học trò gương mặt tươi rói những lần lên lớp, Cường thêm vững tin về con đường đã chọn. Bao thế hệ học trò đã trưởng thành, chúng đều nhớ tới thầy Cường với sự mến mộ đặc biệt. “Ấy vậy mà tôi lại để vụt mất hình ảnh đẹp trong mắt học trò” – giọng Cường đầy tiếc nuối.

Cuộc sống như mơ ước không khiến Cường thoải mái. Những lo toan vật chất thường nhật, đồng lương “ba cọc, ba đồng” chẳng đủ Cường mưu sinh. Dành được nhiều tình cảm của đồng nghiệp, học trò nhưng Cường đành bỏ lại ước vọng. Anh giải nghệ, bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn, động viên của gia đình. Sau đó, Cường không mấy khó khăn để có một công việc mới, một công việc vẫn gắn với âm nhạc. Anh được nhận làm nhạc công chơi đàn organ ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Phú Thọ. Chuyển sang môi trường mới, Cường phát huy được sở trường và anh ngày càng “đắt sô”. Lúc này, thu nhập khấm khá hơn, cuộc sống của anh “dễ thở”. Nếu cứ thế mà cố gắng thì Cường đã không phải hối tiếc. “Tham lam”, Cường không muốn đời mình ôm chặt cây đàn và những buổi diễn nghiệp dư. Cựu thầy giáo nuôi mộng trở thành “ông bầu” và 2 năm sau, anh “dứt áo” rời Trung tâm. Sẵn kinh nghiệm học hỏi được suốt thời gian đứng sân khấu cộng với sự nhanh nhẹn, hoạt ngôn, Cường nhanh chóng thâu tóm được những “sân diễn” trên đất Phú Thọ. Từ một tay đàn, người ta biết đến Cường trong vai trò “ông bầu”. Điều đó đồng nghĩa với việc, số tiền mà Cường kiếm được cũng gấp nhiều lần so với trước. Tiền rủng rỉnh, tính nghệ sỹ trong Cường thỏa sức phô diễn. Cường bắt đầu thói ăn chơi, phóng tay chi tiền và góp vui tại những cuộc đỏ đen.

Kể đến đây, Cường chùng giọng. Nét hồ hởi, sôi nổi khi nhắc đến cái nghiệp “đàn ca” dường như tắt lịm. “Tôi không nhớ rõ lắm, đó là quãng thời gian khoảng giữa năm 2008, ngồi thư giãn ở một quán giải khát, tôi nổi hứng theo đuôi vị khách nọ đánh 1 con lô nhưng trượt” – Cường cho biết. Đó là lần đầu tiên anh đặt chân vào “thế giới” cờ bạc. Cũng từ lần đó, Cường để mắt tới niềm vui mới này. Chơi lô đề lúc thắng, lúc thua và Cường càng bước sâu hơn vì “cay” và “húng”. “Cay” bởi muốn gỡ, “húng” vì thắng. Chỉ một thời gian ngắn sau, Cường ngồi sới, đốt số tiền hàng trăm triệu đồng. Tiền “bầu sô” chẳng đủ nướng vào các cuộc đỏ đen, Cường cháy túi và nợ nần chất chồng. Anh vay của người này trả cho người kia nhưng chỉ được thời gian đầu. Khi biết “mặt” Cường, họ đều ngãng và anh không thể xoay đâu ra tiền. Đến khi không còn tiền gửi về cho bố mẹ và chủ nợ ra rả đòi thì Cường quẫn.

“Thua quá nhiều, tôi nảy ý định thuê xe ô tô, rồi cắm xe lấy tiền chơi lô đề tiếp. Nếu gỡ được thì sẽ lấy tiền chuộc xe và trả lại cho Cty rồi đoạn tuyệt luôn với cờ bạc” – Cường than. Nhưng “canh bạc” này, Cường tiếp tục thua và phải trả giá bằng 7 năm tù. Cường nói, cầm cố xe được 120 triệu đồng, Cường không đem tiền đi trả nợ mà “rót” 90 triệu đồng vào một con lô. Nghe kết quả ngày hôm đó, Cường ngã ngửa, vội “ôm” số tiền còn lại bỏ trốn vào TP HCM. Khi hay tin, bị Cty “tố” và bị truy nã, Cường không chút chần chừ, ra Hà Nội đầu thú. Anh đã hết lời nhờ người thân khắc phục hậu quả giúp mình để mong nhận được đặc ân. Hưởng mức án thấp hơn khởi điểm của khung hình phạt (từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân), Cường thấy nhẹ nhõm. Sự thành khẩn hướng thiện của anh đã được HĐXX ghi nhận và cho anh một cơ hội. Vì điều đó, Cường quả quyết, sẽ tích cực cải tạo để rút ngắn ngày về. Tự trách mình, Cường còn rầu lòng hơn khi nhắc tới bố mẹ. Anh thấy nợ người thân nhiều quá. Là con trai lớn mà chưa yên bề gia thất còn trút gánh nặng lên vai bố mẹ già.

Chỉ sau vài ngày xét xử Cường, TAND TP Hà Nội lại xét xử Nguyễn Viết Lợi, SN 1977, trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Như Cường, Lợi cũng là “con bạc” và tính “gỡ gạc” bằng cách thuê xe ô tô đem đặt, lấy tiền “nóng” để tiếp tục lô, đề. Lợi cho biết, từng là “xế” xe khách, công việc thuận lợi, nhà có đồng ra đồng vào. Nhưng từ khi có tiền, phần bị rủ rê, phần muốn thử mà Lợi lao vào cờ bạc. World Cup năm 2010, Lợi rót cả gia tài vào cá độ bóng đá rồi thua sạch.

Chủ nợ đòi ráo riết, không xoay đâu ra tiền, Lợi nghĩ cách thuê xe ô tô tự lái rồi cầm cố lấy tiền đút túi. Anh Tạ Công N, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, qua anh họ Tạ Công T giới thiệu, anh N tin mà cho Lợi thuê chiếc xe ô tô KIA Morning. Đó là ngày 17-5-2010, anh N đồng ý cho Lợi thuê xe trong 1 tháng. Một tuần sau, Lợi đem chiếc xe này cầm cố cho người có tên Trần Đức Tú, trú tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, lấy 100 triệu đồng. Tới hạn trả xe, anh T hỏi, Lợi không thể giấu chuyện. Anh T đã phải gặp anh Tú, trả 245 triệu đồng để chuộc xe và yêu cầu Lợi trả lại món tiền này cho mình.

Ngoài bị hại trên, 3 người khác cũng “sập bẫy” của Lợi. CQĐT làm rõ, Lợi cho “bốc hơi” 4 chiếc xe ô tô, trị giá hơn 1 tỷ đồng nên bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đáng chú ý, sau khi “ẵm” số tiền đặt xe, Lợi lẩn trốn ở các tỉnh phía Nam; thậm chí còn được nhận vào làm việc ở 1 Cty thám tử. Những tưởng có thể yên ổn dưới thân phận đã được ngụy trang, Lợi không ngờ, ngày 24-5-2011, trinh sát của Bộ Công an đã tóm gọn y trước sự ngỡ ngàng của các đồng nghiệp Lợi. Lợi đã phải nhận mức án 14 năm tù.

Luật sư Hoa Hoàng Nhật, Đoàn LS TP Hà Nội cho hay, gần đây cụm từ “thuê xe rồi đặt” đã quá quen thuộc và ông đã nhận bào chữa cho nhiều “thân chủ” như Lợi, Cường. “Đa phần họ đều nợ nần và hết cách “xoay” tiền nên mới tính thuê xe rồi đặt. Ở 2 ví dụ trên, các chủ xe có cơ hội “tố” tội khách và được CQCA làm rõ, chứ nhiều vụ phải “chịu chết” – luật sư Nhật cho hay. Ông Nhật phân tích, lợi dụng sơ hở trong việc thuê xe ô tô tự lái mà các vị khách đã làm liều. Thực tế cho thấy, phần nhiều chủ cơ sở cho thuê xe ô tô bằng niềm tin với nhau; họ không lập hợp đồng cụ thể, không tuân thủ những quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa 2 bên. Với những kẽ hỡ ấy, nếu bị “thượng đế” lợi dụng, dù chủ xe có nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng thì việc xử lý hình sự đôi khi là khó. “Nhằm hạn chế bớt bị hại trong những vụ án tương tự, khi cho thuê xe ô tô tự lái, chủ cơ sở cho thuê xe cần đưa ra hợp đồng cụ thể với giấy tờ đặt cọc ràng buộc để có thể “nắm đằng chuôi”. Người cho thuê xe tự lái cũng cần kiểm tra thường xuyên phương tiện của mình khi đã cho thuê để tránh tạo cơ hội “đục nước béo cò” – luật sư Nhật đưa ra lời khuyên.

Hoa Đỗ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *