CÓ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO TÀI SẢN VÀ NỢ ĐỂ CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY KHÔNG?
CÓ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO TÀI SẢN VÀ NỢ ĐỂ CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY KHÔNG?
Câu hỏi:
“Công ty TNHH thiết bị điện N hiện có tài sản và hàng hóa trị giá 2.346.937.426 VNĐ. Công ty hiện đang nợ đối tác 2.8881.931.944 VNĐ. Trước tình hình trên, Hội đồng thành viên Công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ tài sản và hàng hóa nêu trên cho cán bộ, nhân viên của Công ty để chuyển đổi thành Công ty cổ phần N của tập thể cán bộ, nhân viên nhằm phát triển kinh doanh. Chúng tôi sẽ lập biên bản nhận toàn bộ số hàng hóa và tải sản trên mà không phải thanh toán bằng tiền mặt, đồng thời thay công ty cũ gánh vác nghĩa vụ trả nợ cho đối tác. Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần sẽ bổ nhiệm Giám đốc mới để điều hành hoạt động của Công ty.
Chúng tôi xin hỏi Văn phòng các vấn đề sau:
1. Công ty THNN N có được chuyển giao tài sản và khoản nợ cho cán bộ, nhân viên để chuyển đổi thành công ty cổ phần không? Nếu được thì cần thực hiện như thế nào?
2. Trường hợp công ty mới không khắc phục được số nợ thì đối tác sẽ kiện công ty cũ hay công ty mới. Giám đốc có vai trò gì đối với công ty trong trường hợp này? Giám đốc mới có phải chịu trách nhiệm gì đối với các chứng từ của Công ty cũ hay không?”
Trả lời:
Căn cứ vào nội dung đơn nêu trên, chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 ( Luật Doanh nghiệp), Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc ngược lại. Công ty chuyển đổi phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi (Điều 196). Theo quy định của Khoản 4 Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp một bộ hồ sơ chuyển đổi công ty TNHH thành Công ty Cổ phần bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
b) Điều lệ công ty chuyển đổi theo quy định tạiĐiều 25 Luật Doanh nghiệp;
c) Quyết định của chủ sở hữu công ty hoặc Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty;
d) Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài và bản sao hợp lệ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp;
đ) Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.
Như vậy, Công ty TNHH N (được gọi là công ty cũ) có quyền chuyển đổi thành Công ty Cổ phần (được gọi là công ty mới) theo quyết định của Hội đồng thành viên và thực hiện đúng quy định pháp luật nêu trên để tiến hành đăng ký kinh doanh.
Căn cứ vào quyết định chuyển đổi, toàn bộ tài sản và hàng hóa của Công ty cũ hiện có trị giá 2.346.937.426 VNĐ được chia thành các cổ phần chuyển nhượng cho cán bộ, nhân viên của Công ty. Những người mua cổ phần của Công ty sẽ là cổ đông sáng lập của Công ty mới. Việc chuyển giao tài sản này là phù hợp quy định pháp luật.
Sau khi đăng ký chuyển đổi, Công ty cũ (Công ty được chuyển đổi) chấm dứt tồn tại. Công ty mới (công ty chuyển đổi) được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty cũ.
Việc bàn giao các vấn đề liên quan đến các chủ nợ giữa công ty cũ và công ty mới do Hội đồng thành viên (công ty cũ) thực hiện bằng văn bản với các thành viên mới (hoặc người đại diện hợp pháp). Trong bất cứ trường hợp nào, công ty mới vẫn phải có nghĩa vụ giải quyết các khoản nợ của công ty cũ còn tồn đọng. Nếu các chủ nợ khởi kiện thì sẽ khởi kiện công ty mới.
Theo quy định tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp, Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Như vậy người được bổ nhiệm làm Giám đốc (Tổng giám đốc) củ công ty mới chỉ là người thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Giám đốc (Tổng giám đốc) không phải là người chịu trách nhiệm cá nhân với các khoản nợ cũng như đối với các chứng từ, các giao dịch do công ty cũ xác lập mà trách nhiệm dân sự đó thuộc về Công ty mới.
Vậy chúng tôi trả lời để ông và các cán bộ nhân viên Công ty được biết.