KINH DOANH & PHÁP LUẬT
Chủ Nhật, 19/05/2013 – 06:58
LẠI ”NÓNG” CHUYỆN THU HỒI ĐẤT
http://dddn.com.vn/…/lai-nong-chuyen-thu-hoi-dat-2013051712…
http://baophapluat.vn/…/ky-nhieu-quyet-dinh-khuat-tat-chu-t…
http://www.baoxaydung.com.vn/…/ubnd-huyen-cao-loc-lam-sai-l…
(DĐDN) – Việc khởi kiện thu hồi đất trái thẩm quyền để xây dựng Trung tâm thương mại Đồng Đăng đối với chính quyền địa phương của một số hộ dân tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đang khiến dư luận xôn xao.
Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Đồng Đăng đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 07/6/2007. Sau ba lần thay đổi, đến ngày 19/3/2012, dự án đã được cấp lại với quy mô gần 57.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 311 tỉ đồng, thời gian hoàn thành tháng 12/2015. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thiên Đăng.
Dự án Trung tâm thương mại Đồng Đăng bao trùm lên khu đất ở của hàng chục hộ dân tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Nhiều hộ dân đồng ý bàn giao đất để xây dựng dự án. Tuy nhiên, một số hộ không chấp nhận mức giá và phương án đền bù giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư.
Ông Lương Đình Vĩ chủ một gia đình bị thu hồi đất cho biết, toàn bộ nhà cửa, vườn tược khang trang của gia đình tôi trên diện tích 134,2 m2 bị thu hồi mà chỉ được đền bù hơn 159 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi không được thêm bất cứ khoản hỗ trợ nào như: ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp… Để được bố trí 98,5m2 đất tái định cư, gia đình tôi phải nộp hơn 73 triệu đồng. Chỉ còn hơn 80 triệu đồng, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Nhà thì đã bị cưỡng chế thu hồi, không có chỗ ở nên cả gia đình 5 người phải đi thuê nhà, cuộc sống vô cùng khổ cực.
Tương tự như trường hợp ông Vĩ, ông Hoàng Tuấn Trang bị thu hồi 300 m2 đất với nhà ở và vườn cây cũng chỉ được bồi thường gần 273 triệu đồng. Ông Trang nói, vì thấy quá thiệt thòi nên gia đình tôi chưa đồng ý nhận tiền đền bù và có đơn khiếu nại gửi đi rất nhiều nơi. Tuy nhiên, đã rất nhiều đơn thư gửi đi chúng tôi không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo của UBND huyện Cao Lộc như quy định tại Luật khiếu nại tố cáo.
“Đặc biệt là từ trước tới nay, chúng tôi chưa hề được biết hay phổ biến gì về bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Trung tâm thương mai Đồng Đăng, cũng không được cho biết ai là chủ đầu tư của dự án. Thế nhưng mới đây khi vào Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn, trang thông tin xúc tiến đầu tư và doanh nghiệp tôi được biết chủ đầu tư là công ty đầu tư và thương mại Thiên Đăng với tổng mức đầu tư là gần 357 tỉ đồng gồm vốn tự có và vốn vay ngân hàng” – ông Trang cho biết.
Ông Trần Ngọc Tân một người cũng bị cưỡng chế thu hồi đất nói, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thiên Đăng – chủ đầu tư dự án là một doanh nghiệp dân doanh với vốn điều lệ 18 tỉ đồng. Chưa cần nói tới yếu tố năng lực chủ đầu tư, doanh nghiệp này đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Đồng Đăng vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, theo luật định, chủ đầu tư phải thoả thuận với dân mức bồi thường, phương án bồi thường theo đơn giá thị trường. Chúng tôi phải được bồi thường ở mức có thể tạo dưng được một nơi ở mới có điều kiện sống “bằng hoặc hơn nơi ở cũ” như chính sách của Nhà nước quy định. Theo ông Tân, UBND huyện Cao Lộc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất, áp đặt mức bồi thường bằng một phương án hỗ trợ tái định cư như các dự án có mục đích an ninh quốc phòng hoặc lợi ích quốc gia là trái pháp luật. Không những vậy, UBND huyện còn huy động một lực lượng rất hùng hậu gồm công an huyện, bộ đội chính quy đến cưỡng chế.
Cho rằng tất cả các quyết định trên của UBND huyện Cao Lộc đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhiều hộ gia đình bị cưỡng chế thu hồi đất đã khởi kiện ra toà án các quyết định của UBND huyện Cao Lộc.
Cuối tháng 4 vừa qua, TAND huyện Cao Lộc đã đưa vụ án kiện hành chính ra xét xử. Tuy nhiên, toà án đã bác yêu cầu đòi huỷ quyết định thu hồi đất trái thẩm quyền của UBND huyện Cao Lộc với lí do hết thời hiệu. Từ đó, toà án cũng bác yêu cầu đòi thoả thuận bồi thường của một số hộ dân. Không đồng tình với quyết định trên, các hộ dân tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh Lạng Sơn.
Ông Lê Như Tiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Còn nhiều thiên vị
Trong thời gian vừa qua chúng ta đã làm không tốt vấn đề quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai nên đã để diễn ra tình trạng thu hồi đất tràn lan. Nhiều trường hợp còn “thiên vị”, chỉ hướng đến lợi ích của doanh nghiệp mà không hướng đến lợi ích chung của nhân dân.
Một lo ngại khác là tại Khoản 3 của Điều 58 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi bổ sung quy định: một trong những điều kiện để thực hiện việc thu hồi đất là vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội. Quy định này cần phải được hiểu thật kĩ, thật chính xác, bởi nếu không thì sẽ có nhiều địa phương, tổ chức lợi dụng, mượn cớ “phát triển kinh tế – xã hội” để thu hồi đất của dân một cách tràn lan.
GS Nguyễn Quang Thái – Hội đồng tư vấn về Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam):
Không nên mở rộng đối tượng thu hồi đất
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định mở rộng diện thu hồi đất ngoài ba lý do an ninh quốc phòng hoặc vì lợi ích quốc gia, còn hai lý do nữa là mục đích phát triển lợi ích công cộng và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Như vậy là quá rộng, có thể bị lợi dụng.
Việc thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế – xã hội thời gian qua đã diễn ra tràn lan, nảy sinh nhiều bất cập. Mức đền bù cho người dân không dựa vào thỏa thuận với nhà đầu tư nên mức giá chưa sát với giá trị thực sự của mảnh đất, thậm chí thường thấp hơn giá trị thực.
GS Nguyễn Lân Dũng:
Phải tổ chức tốt khâu định giá đất
Nếu nói thoả thuận theo giá thị trường thì đâu là giá thị trường? Trong khi đó, tính chất thị trường “ngầm” tương đối nhiều. Vì thế phải tổ chức tốt công tác đấu giá. Nếu vì mục đích kinh doanh thương mại, thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân. Nếu mức giá đưa ra không được trên 2/3 số người trong diện bị thu hồi đồng thuận thì người dân có quyền thuê đơn vị khác để thẩm định độc lập.
Cần hệ thống pháp luật minh bạch
LS Nguyễn Thị Minh Châu – Trưởng văn phòng LS Bảo Châu và cộng sự (Đoàn LS Hà Nội)
Với hệ thống pháp luật về thu hồi đất như hiện nay, việc tranh chấp giữa chủ đầu tư các dự án mang tính thương mại với người dân là khó tránh khỏi. Quyền lợi người dân bị mất đất làm dự án rất dễ bị xâm hại, còn doanh nghiệp thì cũng rất khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.
Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Đồng Đăng do chủ đầu tư là công ty Thiên Đăng thuộc loại dự án kinh tế tư nhân với mục đích phát triển kinh tế. Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai đã quy định: “Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”..
Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 84/2007 cũng quy định: “UBND các cấp và các cơ quan nhà nước không được ra quyết định thu hồi đất hoặc thực hiện các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật để can thiệp vào việc thoả thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất trong trường hợp đất không thuộc diện thu hồi”.
Quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân có đất trong dự án trên là quan hệ giao dịch dân sự. Giao dịch này phải được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, thiện chí và trung thực theo quy định của pháp luật dân sự. Vậy mà UBND huyện Cao Lộc lại ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 1057 là hành vi dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt lên quan hệ dân sự. Quyết định này là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tại Biên bản cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính số 01A ngày 30/11/2011 còn thể hiện, quá trình thực hiện cưỡng chế, UBND huyện Cao Lộc đã sử dụng lực lượng Công an và bộ đội biên phòng. Nếu nhìn lại kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong vụ án Đoàn Văn Vươn thì thấy rõ. Thủ tướng khẳng định, việc tổ chức lực lượng quân đội chủ lực tham gia cưỡng chế một cách sai trái là trái pháp luật.
Việc khiếu kiện đông người và kéo dài liên quan đến đất đai thời gian qua rất phổ biến. Tất cả các vụ khiếu kiện đông người đều xuất phát từ việc giải quyết của chính quyền cơ sở không thoả đáng. Các quyết định hành chính của địa phương thường mang tính “chữa cháy” và thiên vị nên rất dễ vi phạm pháp luật. Điều đó khiến chủ đầu tư thì không thể giải phóng được mặt bằng để triển khai dự án, còn người dân thì bức xúc vì quyền lợi bị xâm phạm. Chính vì vậy, yêu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật rõ ràng và thống nhất về thu hồi đất đang trở nên rất cấp bách.
Bá Tú
Nhịp cầu công lý
Cập nhật lúc: 2013-01-16T07:36:50
KÝ NHIỀU QUYẾT ĐỊNH KHUẤT TẤT, CHỦ TỊCH HUYỆN BỊ KIỆN RA TÒA
http://baophapluat.vn/…/ky-nhieu-quyet-dinh-khuat-tat-chu-t…
Vì nhiều quyết định bị cho là “khuất tất” trong GPMB tại dự án “Xây dựng trung tâm thương mại Đồng Đăng”, UBND huyện Cao Lộc đã bị người dân khởi kiện ra tòa. Dự kiến, cuối tháng 1/2013, phiên tòa sẽ được xét xử công khai.
Sau khi lấy đất của dân xong, chủ đầu tư dự án TTTM Đồng Đăng xây dựng một đền thờ, chẳng biết thờ ai, gây nghi ngờ trong dư luận
Sau khi lấy đất của dân xong, chủ đầu tư dự án TTTM Đồng Đăng xây dựng một đền thờ, chẳng biết thờ ai, gây nghi ngờ trong dư luận
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Ông Hoàng Tuấn Trang, trú tại số nhà 13, tổ 1, khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) kể, biết tin UBND tỉnh Lạng Sơn có chủ trương “biến” khu dân cư thành khu vực thương mại, ai ai cũng mừng. Nhưng nhân dân càng mừng bao nhiêu, càng thất vọng bấy nhiêu.
Theo Quyết định số 362/QĐ-UB ngày 03/03/2005 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Thời Giang ký, dự án này có mục tiêu xây dựng tổ hợp chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, kho, trạm chuyển hàng hóa tại thị trấn Đồng Đăng, nhằm hình thành một trung tâm giao dịch, lưu thông hàng hóa đầu mối tại khu vực cửa khẩu, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thu hút khách du lịch. Quy mô dự án khoảng 47.600 m2 đất. Chủ đầu tư phải tự bỏ vốn ra thuê đất trong 50 năm, tự bỏ vốn ra xây dựng và kinh doanh.
“Như vậy, căn cứ theo pháp luật về đất đai và xây dựng, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận, thương thảo với người dân theo mức “hợp tình, hợp lý” để cùng nhau triển khai dự án. Thậm chí, người dân có thể góp vốn để cùng làm dự án. Thế nhưng tại dự án này, các quy định nói trên lại không được áp dụng” – ông Trang bức xúc.
Còn ở trường hợp nhà ông Vi Văn Hạng, trú tại thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong thì lại có kiểu đền bù kỳ lạ. Gia đình ông Hạng được thừa kế từ mẹ mình một mảnh đất rộng 648,6 m2, được chính quyền địa phương xác nhận từ năm 1997 và cho đến nay, mảnh đất vẫn đang được sử dụng và đóng thuế. Tuy nhiên, đến khi đền bù GPMB, Hội đồng GPMB huyện Cao Lộc lại “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, gọi ngay gia đình ông Vi Văn Tút (Hiên) lên ký nhận tiền. Phút chốc, mảnh đất của người này lại đền bù cho người kia.
“Loạn giấy tờ”
Không những vậy, trong công tác cưỡng chế GPMB, lãnh đạo huyện này còn bị “tố” đưa cả những văn bản “hết hạn” vào để áp dụng. Cụ thể, ngày 08/10/2011 Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Triệu Văn Quân ký Quyết định số 2071/QĐ-UBND về việc “cưỡng chế thực hiện Quyết định số 356/QĐ-UB ngày 28/07/2005 và Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 16/04/2010” trong việc thu hồi đất của ông Trần Ngọc Tân.
Lần giở giấy tờ, ông Tân đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng trong văn bản của ông chủ tịch. Theo đó, Quyết định số 356 mà ông chủ tịch yêu cầu “cưỡng chế thực hiện” thực ra trước đó đã bị chính ông Chủ tịch tiền nhiệm của UBND huyện Cao Lộc Đặng Duy Xuân ra quyết định thu hồi (Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 16/04/2010).
Trường hợp như ông Tân không phải là cá biệt. Gia đình ông Lưu Văn Bảo (tổ 9, khu Ga) cũng “giơ đầu chịu báng” vì “tân quan tân chính sách”. Mặc dù Quyết định số 355/QĐ-UB ngày 28/07/2005 áp dụng cho gia đình ông đã bị vô hiệu hóa bằng Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 16/04/2010 của chủ tịch tiền nhiệm Đặng Duy Xuân, nhưng đến “thời” mình, tân Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Triệu Văn Quân vẫn ký văn Quyết định 073/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 để tiến hành cưỡng chế GPMB.
Tỷ lệ nghịch với việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân vùng bị ảnh hưởng, tiến độ triển khai dự án này lại rất ảm đạm. Có quyết định thu hồi đất từ năm 2005 nhưng đến tháng 7/2010 người dân mới có đất tái định cư và vẫn áp dụng đơn giá đền bù năm 2005! Ông Hoàng Tuấn Trang cho biết, nếu theo giá hiện tại, cả nhà, đất của ông trị giá khoảng 2,4 tỷ đồng. Đằng này, áp dụng đơn giá năm 2005, gia đình ông rốt cuộc được hơn 200 triệu, “bất công thế ai mà chịu được”.
Chính vì vậy, các hộ dân đã tiến hành khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc ra tòa. Dự kiến, vào ngày 21/1/2013, Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc sẽ mở phiên tòa xét xử công khai vụ việc này.
Trường Lưu