HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN KHÔNG SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC: LÃI SUẤT CHẬM THANH TOÁN ĐƯỢC XÁC ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

 

Một trong những nội dung cần được quy định trong hợp đồng xây dựng là trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng, trong đó, quy định lãi suất chậm thanh toán là một trong những biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thường được thoả thuận. Thực tiễn cho thấy có sự không thống nhất trong áp dụng các văn bản pháp luật để xác định lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng.

 

Quy định pháp luật hiện nay về lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng

Về bản chất, Hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng đặc thù thuộc lĩnh vực chuyên ngành, chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan. Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014 có quy định rõ về hợp đồng này như sau: “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thoả thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”.

Như vậy, hợp đồng xây dựng cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự.

 

Mặt khác, hợp đồng xây dựng cũng có thể là hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại khi đảm bảo đặc trưng về chủ thể xác lập (được xác lập giữa hai bên là thương nhân hoặc một trong hai bên là thương nhân) và mục đích của hợp đồng nhằm mục đích sinh lợi.

 

Trong đó, mức trần lãi suất chậm thanh toán theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 20%/năm (khoản 1 Điều 468), trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định là 10%/năm (khoản 2 Điều 468). Tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 có quy định về lãi suất chậm thanh toán như sau: “Bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

 

Mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường được hướng dẫn tại Điều 11 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định như sau: “Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

 

Có thể thấy, mức lãi suất chậm thanh toán giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 đã có sự khác biệt đáng kể về vấn đề này khi Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất chậm thanh toán là theo sự thỏa thuận, còn Luật Thương mại năm 2005 là theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất ba ngân hàng thương mại.

 

Trong khi, Luật Xây dựng thì không quy định mức lãi suất chậm thanh toán này. Tuy nhiên, Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng lại quy định tại khoản 2 Điều 43 như sau: “Trường hợp, bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.Cần lưu ý rằng, Nghị định này chỉ bắt buộc áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA và khuyến khích các hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng.

 

Các nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật

Để giải quyết vấn đề này, có thể tham khảo các nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc văn bản ban hành sau: Căn cứ tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như sau: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại đều là những văn bản luật do Quốc hội ban hành và Bộ luật Dân sự được ban hành sau Luật Thương mại nên Bộ luật Dân sự được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại.

 

Nguyên tắc luật chungluật chuyên ngành: Luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với luật chung nếu quy định trong luật chuyên ngành không trái với các nguyên tắc cơ bản của luật chung.

Khoản 2 và 3 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc pháp lý này như sau:

 “2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

 3.Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”. 

Bên cạnh đó, Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định nguyên tắc này tại Điều 4 như sau:

“1. Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương mại và pháp luật có liên quan

2.Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.

3.Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. 

 

Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Luật Thương mại là luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thương mại. Hoạt động xây dựng là hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong Luật Xây dựng. Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại chỉ đề cập đến quan hệ dân sự và thương mại đặc thù được quy định trong “luật khác”.

Trường hợp hợp đồng xây dựng bảo bảm điều kiện được xem là hợp đồng thương mại thì có thể xác định Luật Thương mại là luật chuyên ngành và được áp dụng trong trường hợp này.

 

Áp dụng lãi suất theo quy định nào?

 

Nói tóm lại, dựa theo hai nguyên tắc là “nguyên tắc văn bản ban hành sau” và “nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành”, mức lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng đối với dự án không sử dụng vốn nhà nước có thể tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc Luật Thương mại năm 2005. Vì vậy mà việc xác định lãi suất chậm thanh toán giữa hai bên trong hợp đồng xây dựng vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn trong cách hiểu và giải thích. Do đó, nếu không có một quy định chung thống nhất đối với vấn đề thỏa thuận lãi suất chậm thanh toán thì trong thời gian tới, những tranh cãi đối với vấn đề này sẽ tiếp tục bị bỏ ngỏ do chưa có lời giải đáp thấu tình, đạt lý nhất để đảm bảo quyền lợi đôi bên trong quan hệ hợp đồng xây dựng.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *